Thêm một bài học cho hàng tiêu dùng Việt khi gần đây, người Thái tỏ ra nhanh nhạy trong việc đưa sản phẩm nước dừa "Châu Đốc" do họ sản xuất để bày bán ở các khu chợ của người Việt tại Mỹ.
Với cộng đồng người Việt ở Mỹ, sản phẩm dừa lon này (có dung tích khoảng 400ml), in chữ "Nước dừa xiêm kho thịt", hay "Chất uống thiên nhiên, kho thịt càng ngon", là lựa chọn phổ biến nếu muốn có một nồi thịt kho kiểu Nam bộ. Điều đáng nói, dù đóng lon hiệu "CHAUDOC" nhưng trên nhãn lon có ghi rõ dòng chữ "Product of Thailand".
Chào hàng tốt nhất
Trong khi người Thái sớm nắm bắt cơ hội và hành động trước để tung ra tại các siêu thị nước ngoài những món đặc sản địa phương của Việt Nam thì các DN sản xuất hàng tiêu dùng Việt vẫn đang loay hoay trong vấn đề kết nối với các nhà phân phối tiêu thụ sản phẩm.
Cuối tuần qua, các nhà phân phối, bán lẻ từ các quốc gia EU như Hà Lan, Pháp, Bỉ; Hiệp hội bán lẻ Trung Đông, các nhà mua hàng từ Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và các hệ thống siêu thị lớn tại Việt Nam như: Co.op Mart, Auchan, Aeon, GS25, BigC, Vinmart, Lotte… đã đến tham dự một sự kiện kết nối của các doanh nghiệp (DN) trong ngành thực phẩm, tiêu dùng ở Tp.HCM nhằm tìm kiếm nguồn hàng, tìm kiếm đối tác.
Để tăng tính hiệu quả kết nối giữa DN Việt với các nhà mua hàng quốc tế và nội địa thông qua sự kiện này, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty Vinamit, có lời khuyên các DN khi tương tác với khách hàng trong hay ngoài nước mà DN chưa có tên tuổi thì tốt nhất là nên làm theo dạng B2B matching, nhất là phải chào hàng những gì tốt nhất, độc nhất của mình ra để có thể "lôi kéo" phía đối tác.
Hiện tại theo ông Viên, thế giới đang ở cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, mọi thứ đều có thể kết nối. Với các DN khi gặp gỡ các nhà phân phối, bán lẻ cũng thế. Nếu không kết nối được với nhau rõ ràng là không có thông tin, mà thông tin ngày hôm nay chính là sức mạnh của DN.
"Các DN không nên e ngại mà hãy tự tin, tư duy không phải ở Việt Nam mà tư duy toàn cầu. Ai là người có nhiều thông tin, thông tin sớm, người đó sẽ thành công, bởi họ là người biết trước, đi trước, hành động trước", ông Viên nói.
Có vẻ như một số DN Việt quên mất một điều là nếu muốn kết nối để xuất khẩu thì sản phẩm làm ra phải đạt chuẩn hóa quốc tế (International Quality) và phải đẳng cấp. Như lưu ý của ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Gỗ An Cường, nếu sản phẩm mà các DN làm theo kiểu cho có lệ thì chỉ có thể xuất lèo tèo 1 – 2 lô hàng rồi ngưng.
"Làm sao để có sản phẩm International Quality thì DN trong mỗi ngành hàng phải chịu học. Chẳng hạn như ngành gỗ phải học làm sao để sản phẩm gỗ thực sự là chuẩn quốc tế. Hoặc như có DN muốn xuất khẩu khô cá dứa thì sản phẩm đó thực sự đạt chất lượng quốc tế hay chưa", ông Nghĩa chia sẻ.
Câu hỏi đặt ra với các DN nhỏ là làm sao có thể sản xuất được sản phẩm đạt chuẩn quốc tế. Theo ông Nghĩa, điều này đòi hỏi các DN cần phải đầu tư máy móc công nghệ ngang ngửa với các quốc gia khác thì mới có thể nghĩ đến chuyện xuất sang thị trường của họ.
Trong câu chuyện kết nối giữa bên bán và bên mua ở trong nước lẫn quốc tế, các chuyên gia thị trường cho rằng để các DN Việt đàm phán mua bán hàng thành công với các đối tác còn nhiều việc cần phải làm. DN Việt nên tìm hiểu trước những xu hướng thị trường để bán cái họ cần, để khi giới thiệu sản phẩm có sát với thực tế thì đối tác sẽ quan tâm.
Đứng ở vai trò đại diện nhà thu mua và phân phối của Thái Lan, bà Punthila Puripreecha, Giám đốc vận hành công ty TNHH MM Mega Market (Việt Nam), nhấn mạnh nếu các DN Việt có nhu cầu đưa hàng vào hệ thống và xuất khẩu, điều đầu tiên là cần kết nối với đội thu mua. Hơn nữa, DN cần để ý 3 tiêu chí: Tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã đẹp và đảm bảo về thời hạn sử dụng.
Tỏ ra băn khoăn về việc nhiều DN vẫn còn gặp khó khăn khi tiếp cận kênh phân phối thị trường bán lẻ hiện đại ở trong nước, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM, chỉ rõ phía DN gần như không thể chào hàng các sản phẩm mới cho siêu thị khi mức chiết khấu vẫn còn khá cao (15%-25%). Khi đó, DN sẽ phải đẩy giá thành cao hơn so với bên ngoài 15%-30% mới đảm bảo lợi nhuận.
Trong khi đó, những đại diện từ các nhà phân phối, bán lẻ lớn ở Tp.HCM bày tỏ các DN Việt hãy xem họ là kênh truyền thông quảng bá sản phẩm, hãy dùng kênh phân phối bán lẻ hiện đại để khách hàng hiểu biết thêm về hàng hóa.
Hơn nữa, DN chào hàng vào siêu thị phải hiểu rõ sản phẩm để giải trình về sản phẩm cũng như chất lượng và tính pháp lý của sản phẩm, khi đưa sản phẩm ra thị trường thì cần test sản phẩm.
Mặt khác, DN lúc đưa hàng vào siêu thị nên tuân thủ chất lượng đăng ký từ đầu đến khi đi vào sản xuất kinh doanh, chất lượng phải đảm bảo. Đặc biệt là cần xem trọng hình ảnh bao bì nhãn mác đã đủ sức cạnh tranh trên thị trường hay chưa. Ngay cả các chính sách truyền thông, khuyến mãi, hậu mãi cũng phải chuẩn bị kỹ càng.
Theo Thời báo Kinh doanh