Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bao gồm cả loại hình xe được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời và loại hình xe được sản xuất, lắp ráp từ xe sát xi cơ sở, hoặc xe mới khác đã tăng thấy rõ. Năm 2018, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 287.586 xe. Năm 2019, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước là 339.151 xe và năm 2020, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước là 323.892 xe. Năm 2022, sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước là 439.600 xe, tăng 14,9% so với năm 2021. Như vậy có thể thấy rằng, dư địa dành cho ngành CNHT ô tô là rất lớn.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, so với các quốc gia trong khu vực, số lượng DN CNHT của Việt Nam còn khiêm tốn. Thái Lan hiện có gần 700 DN là nhà cung cấp sản phẩm CNHT cấp 1, trong khi Việt Nam chưa đạt con số 100 DN. Đối với nhà cung cấp cấp 2, cấp 3, Thái Lan đã có trên 1.700 DN, còn Việt Nam dừng lại ở khoảng 150 DN.
Có nhiều nguyên nhân khiến ngành CNHT ô tô trong nước chưa phát triển như kỳ vọng như cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, dàn trải và thiếu tập trung; hạn chế về nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của DN. Bài toán nội địa hoá chính là điều khiến những nhà quản lý chính sách và DN đau đầu suốt nhiều năm nay.
Bà Bùi Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) cho biết, VASI đã hỗ trợ các DN Nhật Bản tìm nhà cung cấp sản phẩm CNHT Việt Nam, nhằm tăng tỉ lệ nội địa hóa cho nhà đầu tư nước ngoài. Hiện các nhà đầu tư Nhật Bản đang hợp tác với khoảng 300 DN CNHT ô tô của Việt Nam.
Ông Calvin Lau, Giám đốc Công ty TNHH Messe Frankfurt (Hồng Kông - Trung Quốc), bày tỏ mong muốn hỗ trợ DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp ô tô để thúc đẩy các nhà sản xuất tăng tỉ lệ nội địa hóa lên 40%, từ đó giúp giảm giá thành ô tô. Mục tiêu của Công ty đến từ Hồng Kông là hợp tác với hơn 1.000 nhà cung cấp phụ tùng trong khu vực và sản xuất, lắp ráp khoảng 01 triệu ô tô/năm.
Đầu năm nay, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương đã triển khai chương trình hỗ trợ DN trong lĩnh vực CNHT thuộc các lĩnh vực dập, đúc, nhựa và cao su. Cụ thể, Toyota Việt Nam đồng hành và hỗ trợ 4 DN gồm Công ty CP Đầu tư Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Kỹ thuật Nhật Minh, Công ty TNHH MTV Cao su 75, Công ty CP Công nghiệp Kim Sen bằng cách cử chuyên gia đến làm việc, tìm những vấn đề tồn tại và đưa ra biện pháp khắc phục.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Giám đốc Kế hoạch chiến lược Công ty Ô tô Toyota Việt Nam cho hay, Công ty đã thành lập riêng một bộ phận chuyên trách hỗ trợ các nhà cung cấp nâng cao hiệu suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng. Kết quả bước đầu khá tích cực khi có 6 nhà cung cấp Việt Nam là đối tác của Toyota Việt Nam với trên 720 sản phẩm các loại.
Đại diện Ford Việt Nam cũng xác nhận đang nỗ lực tìm kiếm thêm nhiều nhà cung ứng trong nước sau khi đã có gần 10 đối tác cung ứng, tập trung vào các linh kiện liên quan hệ thống điện, ắc-quy, các bộ phận nhựa... Tỉ lệ nội địa hóa của Ford Việt Nam hiện đạt khoảng 20% và hãng này vẫn liên tục rà soát để tìm thêm ứng viên cung ứng mới đủ tiêu chuẩn.
Dây chuyền sản xuất ô tô hiện đại tại THACO
Ghi nhận từ THACO Trường Hải, tỉ lệ nội địa hoá của DN này còn cao hơn, có những dòng xe lên tới 70%. Các DN và đơn vị vệ tinh cho Trường Hải bao gồm: Trung tâm R&D; Trung tâm Cơ khí chế tạo và 17 nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng. Nhờ vậy, THACO đã chủ động nhiều loại linh kiện, phụ tùng ô tô, như ghế ô tô, linh kiện nội thất, kính, dây điện, nhíp; sản xuất khuôn, máy lạnh xe du lịch, máy lạnh xe tải, bus; linh kiện nhựa; thân vỏ ô tô, sơ mi rơ moóc, cản xe, dây, áo ghế, khung xương ghế, linh kiện cơ khí, linh kiện nhựa – composite và nhóm các thiết bị công nghiệp khác.
Năng lực nội sinh của Trường Hải còn được minh chứng thông qua cung ứng linh kiện OEM cho nhiều hãng ô tô, xe máy tại Việt Nam như: Hyundai, Toyota, Isuzu, Piaggio và các doanh nghiệp FDI như: General Electric, Doosan Vina, Makitech, Amann và xuất khẩu đi các thị trường trọng điểm như: Mỹ, Australia, Anh, Italy, Nga, Canada, Thụy Điển, Phần Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… doanh thu đạt 160 triệu USD, với mục tiêu đạt 01 tỷ USD vào năm 2025.
Theo các chuyên gia, ngành CNHT ô tô đang trên đà phát triển với tỉ lệ nội địa hóa khá cao. Nếu như có chính sách thông thoáng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực CNHT thì chắc chắn ngành công nghiệp ô tô trong nước sẽ phát triển hơn nữa.
Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TP HCM, nhu cầu đối với ngành CNHT đang tăng, DN trong lĩnh vực này cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ trên cơ sở hỗ trợ nhiều hơn từ phía Nhà nước. "Chương trình kích cầu của TP HCM đối với ngành CNHT đã được triển khai trong 2 năm qua với 30 DN tham gia, trong đó một nửa là DN cơ khí chế tạo. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai chương trình vẫn chưa được như kỳ vọng", ông chia sẻ.
Đánh giá ngành CNHT đang phát triển khá tốt nhưng số lượng nhà cung cấp trong nước hiện còn quá ít trong khi nhu cầu của các hãng xe rất lớn, ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cho rằng cần có sự định hướng rõ ràng và chính sách hỗ trợ tốt hơn về đầu tư, thuế, kích cầu... Các hãng xe nước ngoài luôn tìm kiếm nhà sản xuất kính, lốp, ghế, thân vỏ, sơn, gò hàn, linh kiện điện tử... trong nước nên DN cần nắm bắt cơ hội.
Các chuyên gia trong lĩnh vực CNHT góp ý ngành công nghiệp ô tô cần có cơ chế, chính sách để giải quyết các bài toán như: Chi phí đầu tư lớn trong khi sản lượng nhỏ; chưa có công nghiệp vật liệu chất lượng cao để thu hẹp khoảng cách chi phí với các nước... Bên cạnh đó, DN CNHT cũng cần được hỗ trợ thêm về chính sách tiếp cận vốn, đất đai, thủ tục hành chính của các cơ quan chức năng.
Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, trong khoảng 3 năm gần đây, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh. Bộ Công Thương nhận định, các DN sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Tỷ lệ nội địa hóa một số dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước khá cao do khả năng cung ứng các sản phẩm CNHT nội địa được cải thiện trong thời gian qua.
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện có khoảng trên 40 DN hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô. Một số DN nội địa đã tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu. Đến cuối năm 2022, các DN cung ứng linh kiện đạt tiêu chuẩn nhà cung ứng cấp 1 của Việt Nam cho các hãng ô tô lớn bình quân lên tới hơn 400 DN, tăng hơn 200% so với năm 2016, với sản lượng tăng từ 120.000 xe lên thành 500.000 xe.
|
Phương Lê