Tại Vòng chung kết, mỗi Nhóm cải tiến năng suất chất lượng có 1 phút giới thiệu về nhóm mình qua phần trình chiếu video clip. Tiếp đến các Nhóm cải tiến trình bày trực tiếp, mô tả về cách thức triển khai và hiệu quả hoạt động của dự án. Cuối cùng, các Nhóm cải tiến trả lời các câu hỏi của Hội đồng giám khảo. Hội đồng giám khảo chấm điểm trực tiếp tại Vòng thi.
Sáng kiến loại bỏ tạp chất kim loại sắt và canxi trong dầu thô bằng hóa chất chính thức được đưa vào áp dụng dài hạn từ đầu năm 2015 cho đến nay, góp phần đảm bảo vận hành an toàn, ổn định Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Giá trị kinh tế của giải pháp ước tính tối thiểu khoảng 6,2 triệu USD/năm (khoảng 130 tỷ đồng). Đồng thời, Nhóm cải tiến vẫn đang tiếp tục nghiên cứu tối ưu hóa chất cũng như hệ thống châm hóa chất để nâng cao và duy trì ổn định hiệu quả tách loại sắt và canxi ở mức cao.
Theo thiết kế ban đầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, các kim loại sắt và canxi không được định lượng vì nguyên liệu sử dụng chủ yếu là từ mỏ dầu Bạch Hổ, vốn là dầu “ngọt”, chứa rất ít các tạp chất trên. Tuy nhiên, từ cuối năm 2011, hàm lượng sắt và canxi trong nguyên liệu của Phân xưởng RFCC tăng lên nhiều lần, tạo kết tụ, gây đóng cặn và tắc nghẽn. Trước tình hình đó, BSR đã thành lập nhóm điều tra xử lý vấn đề trên.
Ông Bùi Ngọc Dương - Phó Tổng Giám đốc BSR (giữa) chúc mừng giải pháp BSR đạt giải Ba cuộc thi
Sau khi phân tích kỹ các nguyên nhân, Nhóm nghiên cứu đã đề xuất sử dụng hoá chất để loại bỏ các tạp chất ra khỏi nguyên liệu của Phân xưởng RFCC. Phương án này có chi phí đầu tư thấp, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đề ra mà không phải bổ sung cấu hình nhà máy. Sau khi áp dụng 1 tháng, hiệu suất tách hàm lượng sắt và canxi trong dầu thô tại nhà máy tăng thêm khoảng 33%, vượt trội so với yêu cầu kỹ thuật đề ra. Qua thực tiễn cho thấy, hiệu suất tách loại sắt và canxi luôn được duy trì ổn định ở mức trung bình trên 60%, mặc dù hàm lượng tạp chất trong dầu thô đã tăng cao hơn rất nhiều so với năm 2014.
Ông Đặng Ngọc Đình Điệp - Phó Giám đốc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho biết: Theo các số liệu tính toán, phương án này đã làm lợi cho nhà máy tối thiểu khoảng 6,2 triệu USD/năm. Giải pháp còn mở ra hướng đi mới trong việc xử lý các tạp chất kim loại trong dầu thô với chi phí rất thấp và hiệu quả kinh tế cao.
Kết quả tại Vòng chung kết, Hội đồng Giám khảo và Ban Kỹ thuật đã trao giải cho 12 Nhóm cải tiến năng suất chất lượng gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 6 giải Khuyến khích và chuyên đề. Cuộc thi Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020 do Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) và Tạp chí Công Thương tổ chức nhằm ghi nhận và tôn vinh những nỗ lực, đóng góp của các Nhóm cải tiến với mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng tại doanh nghiệp, đồng thời tuyên truyền, thúc đẩy mở rộng việc áp dụng cải tiến năng suất cho các doanh nghiệp trong toàn ngành Công Thương. |