Thực tế cho thấy, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy… hầu như chưa có CNHT đi kèm, nên phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Chẳng hạn, tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu trong nước của ngành sản xuất lắp ráp ô tô là 20-30%, ngành dệt may là trên 10%... Điều này khiến sản xuất bị động, phi phí cao, dẫn đến hệ quả là giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) kém. Nguyên phụ liệu trong nước chỉ tập trung ở các DN FDI, còn DN trong nước chưa thể đáp ứng chất lượng cho các đơn hàng xuất khẩu.
Điển hình là, ngành Dệt may những năm qua là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng có tới 85% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu, chỉ có sợi là ngành dệt may chủ động được gần như hoàn toàn nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu. Xuất khẩu dệt may cả nước đến nay đã đạt mức hơn 20 tỷ USD, song ngành này đã phải bỏ ra hơn 10 tỷ USD để nhập khẩu nguyên phụ liệu như vải, khóa kéo, phụ liệu thời trang… phục vụ sản xuất. Do vậy, giá trị thu về của ngành là rất nhỏ so với kim ngạch xuất khẩu đạt được hàng năm.
Tương tự, CNHT ngành sản xuất lắp ráp ô tô được kỳ vọng với nhiều chính sách ưu đãi phát triển, nhưng đến nay tỉ lệ nội địa hóa vẫn còn rất thấp, chỉ khoảng trên dưới 10% đối với xe con, do dung lượng thị trường thấp nên không thu hút được doanh nghiệp sản xuất phụ tùng tham gia chuỗi cung ứng. Công nghiệp ô tô được hoạch định là đến năm 2010 đạt tỷ lệ nội địa hóa cao (40-60%), tự chủ công nghệ, đáp ứng 60-80% nhu cầu thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu ô tô và phụ tùng. Tuy nhiên, hầu hết các chỉ tiêu đều không đạt được, các chi tiết linh phụ tùng có hàm lượng kỹ thuật cao như động cơ, hộp số đều chưa thể sản xuất trong nước. Hay, ngành cơ khí chế tạo – xương sống cho một nền công nghiệp phát triển, cũng đang có một lỗ hổng rất lớn ở “chân móng”, bởi công nghệ chế tạo cơ khí nội địa về tổng thể vẫn là công nghệ chế tạo đơn giản, lạc hậu, trình độ tụt hậu khoảng 2-3 thế hệ so với khu vực, trình độ lao động của ngành cơ khí VN cũng chưa có kinh nghiệm đúc chính xác cao, chưa đúc được những mác thép có chất lượng và độ bền cao… điều này dẫn đến việc các sản phẩm làm ra chưa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thị trường.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng yếu kém của ngành CNHT, trong đó phải kể đến tình trạng lực lượng lao động kỹ thuật, công nghệ của ngành này còn thiếu và yếu chưa đáp ứng được nhu cầu. Để khắc phục những yếu kém trên nhằm đưa ngành CNHT Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nhiều giải pháp đã được đưa ra như: Tăng cường đào tạo cán bộ kỹ thuật các ngành thiết kế, chế tạo máy, luyện kim, điều khiển tự động, điện tử tin học để làm chủ các công nghệ được chuyển giao. Thu hút sự hỗ trợ của Chính phủ các nước phát triển để đào tạo nguồn nhân lực cho CNHT, đặc biệt, khuyến khích các DN FDI tham gia vào công tác đào tạo nguồn nhân lực. Tại Hội thảo về Phát triển ngành CNHT các tỉnh phía Bắc năm 2016 tổ chức tại Thái Bình, TS Nguyễn Gia Tín – Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Nam Định cho rằng, để đáp ứng nguồn nhân lực cho phát triển CNHT đối với các DN vừa và nhỏ, đặc biệt là DN sản xuất hàng dệt may và cơ khí, cần tăng cường liên kết Doanh nghiệp – Trường đào tạo – Nhà cung cấp thiết bị, công nghệ; Các trường và các học viện phải thực thi các đơn đặt hàng của các DN về đào tạo, về công nghệ và về thiết bị trong cơ chế thị trường; Tận dụng đội ngũ cán bộ khoa học của các nước phát triển…
Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP (có hiệu lực từ tháng 1/2016), trong đó nêu rõ các dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình phát triển CNHT cho đào tạo nguồn nhân lực. Qua đó có thể thấy rằng, việc phát triển CNHT, đặc biệt là yếu tố phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là mối quan tâm và ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam./.
Quỳnh Anh