Thứ Sáu, 22/11/2024 07:55:18 GMT+7
Lượt xem: 1395

Tin đăng lúc 22-10-2023

Giải pháp phát triển nguồn nhân lực bán dẫn của Việt Nam?

Có một thực tế phải thừa nhận là, tiềm năng phát triển ngành công nghệ bán dẫn của Việt Nam là rất lớn song chúng ta lại đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện nay chỉ đáp ứng chưa tới 20%.
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực bán dẫn của Việt Nam?
Ký kết hợp tác (MoU) giữa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Công ty Synopsys ngày 22/9

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra hôm 6/9 cho biết, mỗi năm, ngành Công nghệ thông tin và Công nghệ số trong nước cần 150.000 kỹ sư. Tuy nhiên, số lượng hiện mới đáp ứng khoảng 60%. Riêng ngành công nghiệp bán dẫn cần 10.000 kỹ sư, nhưng chỉ đáp ứng được dưới 20%.

 

Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Theo công ty nghiên cứu Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến tăng 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5% mỗi năm.

 

Những năm qua, một số tập đoàn lớn của thế giới đã đã đầu tư sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys. IPV, nhà máy chip của Intel tại Việt Nam đã xuất xưởng 3,5 tỷ sản phẩm, đạt doanh thu xuất khẩu 11,5 tỷ USD năm 2022. Samsung vào tháng 3 cho biết, đã tăng vốn vào nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại tỉnh Thái Nguyên, đồng thời đang nghiên cứu đầu tư sản xuất lưới bóng chip bán dẫn, thử nghiệm vào tháng 5 và chính thức đi vào sản xuất từ tháng 11/2023.

 

Có thể nói, công nghiệp bán dẫn là ngành kinh tế có quy mô hàng tỷ USD. Thế nhưng ngành này lại đang phải đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng về nhân lực. Các chuyên gia dự đoán đến năm 2030, ngành công nghiệp bán dẫn sẽ cần thêm 01 triệu nhân sự trên quy mô toàn cầu. Tại Việt Nam, thống kê hiện nay cho thấy, nhân lực thiết kế vi mạch chuyên môn hóa mới có khoảng 5.000 người. Theo các trường đại học (ĐH) công nghệ kỹ thuật, nhu cầu đào tạo trong những năm tới khoảng 3.000 người/ năm. Số tốt nghiệp sau đại học tại các trường ĐH kỹ thuật dự báo ít nhất phải chiếm 30%.

 

Chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn trên thế giới có thể được chia thành bốn nhóm: Thiết kế vi mạch, sản xuất vi mạch, đóng gói – kiểm tra vi mạch và chế tạo thiết bị. Việt Nam chỉ có thể tham gia khâu thiết kế với tổng doanh thu toàn cầu khâu này năm 2022 đạt khoảng 215 tỉ USD. Tuy nhiên, nhân lực để tham gia khâu này hiện nay cũng rất hạn chế. Hiện nay, cộng đồng vi mạch cả nước có hơn 40 công ty, doanh nghiệp (DN) về thiết kế vi mạch và hơn 5.000 kỹ sư, chuyên gia về thiết kế vi mạch. Trong đó, TP.HCM có hơn 30 công ty và sẽ còn tăng trong thời gian tới. Đăc biệt, sự dịch chuyển của các công ty thiết kế vi mạch trên thế giới về Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng ngày càng tăng, dẫn đến nhu cầu nhân lực khá lớn.  

 

 

Đào tạo nguồn nhân lực ngành thiết kế vi mạch đang là nhu cầu cấp thiết

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TP.HCM (HSIA), chia sẻ rằng: “Dù được xem là ngành công nghiệp “tỷ đô”, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với thách thức đó là thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng. Thực tế, người lao động được tuyển dụng tại các DN chưa thể tiếp nhận công việc ngay mà phải trải qua khóa đào tạo từ 6 - 12 tháng”.

 

Để đón nhận và phát triển một cách hiệu quả ngành công nghiệp bán dẫn, góp phần tạo đột phá đưa Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong cuộc cách mạng số, tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 124, trong đó yêu cầu các Bộ, ngành, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Dự kiến sẽ đào tạo khoảng 30.000 - 50.000 nhân lực.  

 

Để giải bài toán nhân lực cho ngành công nghệ vi mạch, bán dẫn, nhiều trường ĐH của Việt Nam đã bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành thiết kế vi mạch, công nghệ vi mạch. Ví dụ, ĐH Quốc gia Hà Nội hiện có 5 đơn vị đào tạo các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực thiết kế vi mạch, công nghiệp bán dẫn, với khoảng 1.500 sinh viên được đào tạo mỗi năm. Cơ sở giáo dục ĐH này dự kiến sẽ tăng số lượng đào tạo lên gấp đôi để đáp ứng nhu cầu hiện nay. Ngoài đào tạo kỹ sư, cử nhân, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ đào tạo cả sinh viên đã học những ngành liên quan trong vòng 6 tháng đến 1 năm để kịp thời bổ sung nhân lực cho ngành này. Chú trọng đào tạo thêm các chuyên gia có thể tham gia vào công đoạn phát minh sáng chế.

 

Công nghệ vi mạch, bán dẫn là một ngành mới mẻ ở Việt Nam, dẫn đến việc các cơ sở giáo dục ĐH phải tiếp tục giải quyết nhiều khó khăn trong lộ trình xây dựng chương trình đào tạo cho ngành này như đội ngũ cán bộ giảng viên chuyên sâu. Các cơ sở cũng chưa có đủ cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu; việc thực hành thực tế của sinh viên ra sao khi chưa nhiều DN phát triển trong lĩnh vực này.

 

 

Hoạt động đào tạo thiết kế vi mạch tại các trường thuộc ĐHQG TP.HCM

 

Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam vừa qua, nhiều hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới như: Intel, Marvell, Amkor… đã đến và đặt vấn đề hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn với các DN công nghệ Việt Nam. Để nắm bắt được cơ hội này, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn là nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

Vi mạch, bán dẫn là một ngành công nghệ cao, cập nhật liên tục và thay đổi nhanh. Cơ sở vật chất và công nghệ phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy trong các trường ĐH luôn khó cập nhật nhanh bằng các DN. Chính vì vậy, liên kết, hợp tác với DN, các tập đoàn hàng đầu về công nghệ được coi là yếu tố then chốt trong đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành vi mạch bán dẫn.

 

Những con chip được sản xuất tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là sản phẩm hợp tác nghiên cứu giữa trường này với các trường ĐH, các công ty công nghệ của Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp... Từ nhiều năm nay, hợp tác với DN trong và ngoài nước là một trong những thế mạnh, nhưng đồng thời cũng được trường xác định là ưu tiên, nhất là khi triển khai các chương trình đào tạo liên quan đến công nghệ tiên tiến trên thế giới.

 

Bắt tay cùng DN không chỉ dừng lại ở đào tạo, mà còn là thiết kế, sản xuất phát triển sản phẩm vi mạch. Đặc biệt là chú trọng bảo hộ thương hiệu - một vấn đề quyết định trong định giá và mang lại lợi nhuận cho cả hai phía. Nhờ vậy mà tạo ra sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư, các tập đoàn hàng đầu thế giới muốn hợp tác với các trường ĐH trong nước.

 

Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang được nhận định có nhiều tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, góp phần giúp Việt Nam tạo đột phá, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững. Một trong những “chìa khóa” để Việt Nam khai mở cơ hội vàng này chính là xây dựng được nguồn nhân lực đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Với các chính sách đúng đắn cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, các cơ sở đào tạo, Việt Nam không chỉ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm chip bán dẫn mà sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất chip bán dẫn mới của thế giới trong tương lai.

 

Minh Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang