Phát triển chưa bền vững
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh Sử Ngọc Anh cho hay, sau gần ba năm triển khai chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế thành phố đang duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định; môi trường đầu tư được cải thiện, niềm tin của doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư được nâng lên. Trong giai đoạn 2015 - 2017, kinh tế thành phố đạt mức tăng trưởng bình quân 8,2%/năm. Nội bộ các ngành kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, phát huy được lợi thế so sánh và điều kiện thuận lợi của từng ngành để phát triển và tăng cường hội nhập. Nguồn lực đầu tư được huy động, môi trường đầu tư được cải thiện, các chính sách khuyến khích phát triển của Nhà nước đã bắt đầu phát huy tác dụng. DN, lực lượng sản xuất vật chất, của cải cho xã hội tăng nhanh cả về lượng và vốn đầu tư; vai trò của DN tiếp tục được khẳng định và đóng góp ngày càng nhiều cho phát triển.
Tuy vậy, chất lượng tăng trưởng kinh tế của thành phố nhìn chung chưa bền vững, năng lực cạnh tranh chưa cao. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ và công nghiệp - xây dựng còn chậm. Chính sách khuyến khích khoa học - công nghệ chưa phát huy hiệu quả tối đa. Hiệu quả sử dụng vốn, năng suất lao động có tăng nhưng chưa bền vững. Cơ cấu sử dụng đất chưa phù hợp cơ cấu kinh tế. Nội bộ các ngành sản xuất có sự chuyển biến nhưng hàm lượng giá trị gia tăng còn thấp, tỷ lệ sản xuất gia công còn cao, do đó sức cạnh tranh của DN, hàng hóa chưa mạnh.
GS, TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố đã trở thành siêu đô thị bởi đã có dân số hơn 10 triệu người nhưng các yếu tố đầu vào, công nghệ, môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được. Các giải pháp liên kết vùng, mở rộng không gian và tái cấu trúc không gian hiện hữu chưa kiên quyết; cơ chế quản lý hành chính vẫn nặng về quy trình trực tiếp tạo ra sự chồng chéo và năng suất chưa đạt như kỳ vọng.
Đồng quan điểm, GS, TS Nguyễn Thị Cành, Trung tâm nghiên cứu Kinh tế - Tài chính (Trường đại học Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh) nhận định, tăng trưởng kinh tế của thành phố những năm gần đây thiếu ổn định, hiệu quả chưa cao, năng suất lao động một số ngành đang giảm. Vốn đầu tư nước ngoài giảm; hiệu quả sử dụng vốn của DN thấp và có xu hướng nhập siêu. Nếu loại trừ cơ cấu giá cả thì chuyển dịch kinh tế thành phố đang đi ngược kỳ vọng. Thành phố cũng chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho phát triển công nghệ…
Nhanh nhạy nắm bắt các cơ hội
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, thành phố vẫn còn nhiều không gian và nguồn lực phát triển như đất đai, đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, khả năng thu hút nguồn vốn, nhưng chưa phát huy hết hiệu quả để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Để phát huy tối đa các nguồn lực này, thành phố đặt hàng các chuyên gia, nhà khoa học tham gia hiến kế cho thành phố. Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất và làm hết sức mình để các chuyên gia, nhà khoa học phát huy sáng kiến, phản biện các cơ chế, chính sách, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển bền vững của thành phố.
GS, TS Nguyễn Trọng Hoài hiến kế, hiện nay, yếu tố vốn vẫn đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của TP Hồ Chí Minh. Hiệu quả sử dụng vốn phải được nâng cao thông qua đầu tư theo chiều sâu, đổi mới công nghệ. Do đó, thành phố cần cải thiện môi trường đầu tư cũng như công tác xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục và có phân cấp chức năng tránh chồng chéo giữa các cấp (thành phố, quận, huyện, phường, xã), đặc biệt là cải cách thủ tục trong cấp phép xây dựng, quản lý nhà đất. Bên cạnh đó, thành phố cần có kế hoạch liên kết với các tỉnh, thành phố về đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực. Thành phố cần có cơ chế phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo nhu cầu của các đơn vị, DN, các cơ quan hành chính, sự nghiệp và bên cung cấp nguồn nhân lực là các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn cho toàn vùng chứ không chỉ riêng cho địa bàn thành phố.
PGS, TS Nguyễn Thuấn (Trường đại học Mở TP Hồ Chí Minh) cho rằng, ngoài việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội, đầu tư vào việc giải quyết tình trạng ngập nước, tắc nghẽn giao thông, tội phạm, phát triển bệnh viện, trường học, khu vui chơi, thể thao…, thành phố cũng cần đầu tư vào việc kiểm soát dân số, trong đó có dân số ngụ cư. Quá trình đô thị hóa và sự di dân không kiểm soát được cũng là tác nhân ảnh hưởng đến kinh tế thành phố. Do đó, cần quản lý đô thị theo quy hoạch, kỷ luật nghiêm minh. Hạn chế, chấm dứt tình trạng xây dựng nhà cao tầng có sức chứa lớn ở các quận, các khu trung tâm có mật độ dân số cao. Đưa ra các chính sách về kinh tế phân biệt các loại giá, phí kinh doanh, sinh hoạt, sử dụng hạ tầng kỹ thuật, xã hội theo các khu vực, quận, huyện. Phát triển hệ thống phương tiện đi lại kết hợp công cộng và cá nhân, phương tiện chuyên chở lớn giá rẻ. Cần thiết thì nghiên cứu di dời toàn bộ hay một phần khu tập trung hành chính, dịch vụ, thương mại, kinh tế để kéo giãn dân, phân bố lại dân cư...
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng kiến nghị thành phố nên chú trọng đẩy mạnh liên kết trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam mà TP Hồ Chí Minh với vai trò là đầu tàu. Đây sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu mở rộng dư địa phát triển để nâng cao chất lượng tăng trưởng. Việc áp dụng cơ chế liên kết vùng chặt chẽ sẽ giúp TP Hồ Chí Minh và các địa phương xây dựng được các chuỗi giá trị ngành hàng, trong đó TP Hồ Chí Minh là điểm tập kết, sản xuất tinh chế hoặc xuất khẩu hàng hóa giải quyết bài toán đầu ra cho các sản phẩm công - nông nghiệp trong vùng, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.
Để thực hiện được điều này, thành phố cần chủ động đề xuất ban hành các chính sách liên quan đến liên kết vùng; chủ động kiến nghị những chính sách với Trung ương để có thể tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình liên kết, từ đó phát huy được những thế mạnh của từng địa phương và của cả vùng… |
Theo báo Nhân dân