Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa đề xuất chính sách hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 kéo dài và ảnh hưởng lớn tới an toàn hệ thống. Theo đó, Chính phủ xem xét ban hành Nghị định cho phép các ngân hàng được khoanh nợ các khoản vay thuộc đối tượng áp dụng tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu nợ (sau này sửa đổi thành Thông tư 03) như áp dụng đối với Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn đối với những khoản nợ rủi ro do dịch bệnh gây nên.
Doanh nghiệp muốn được khoanh nợ
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, đợt dịch lần lần thứ 4 đang diễn ra với quy mô cũng như mức ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với cả 3 đợt dịch trước cộng lại. Trong bối cảnh đó, rất nhiều doanh nghiệp hội viên Hội Doanh nhân trẻ vay vốn ngân hàng đã đến kỳ trả nợ gốc và lãi nhưng không có khả năng trả đúng hạn. Nếu tình hình khó khăn tiếp tục sẽ đẩy đa số doanh nghiệp vào tình trạng phá sản.
Chính vì vậy, ông Đặng Hồng Anh đề nghị, với các khoản nợ đến kỳ hạn phải trả gốc và lãi, cho phép doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19 có hợp đồng tốt và lịch sử trả nợ tốt, đúng hạn, được khoanh nợ đến tháng 6/2022 mà không bị phạt và đưa vào nhóm nợ xấu.
Đồng thời, giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện tại của doanh nghiệp 2% trong ít nhất một năm, trong đó đề xuất ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại chịu 1%; có giải pháp giảm lãi suất cho vay từ 1,5%-2%/năm, áp dụng cho 12 tháng kể từ tháng 7/2021.
Trước thực trạng hàng loạt doanh nghiệp du lịch đang đứng trên bờ vực phá sản, ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) cũng đề xuất ngành ngân khoanh nợ, giảm lãi suất cho doanh nghiệp.
“Từ khi Covid-19 xảy ra, Nha Trang vắng bóng khách du lịch, 95% khách sạn đóng cửa, 5% còn lại hoạt động chủ yếu là đăng ký làm cơ sở cách ly. Tình cảnh của hầu hết doanh nghiệp du lịch rất bi đát. Các doanh nhân là chủ công ty du lịch đều có khả năng biến thành con nợ. Chúng tôi mong muốn ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 tiếp cận vốn vay không lãi suất, được khoanh nợ, giảm lãi với khoản vay hiện hữu", ông Vinh đề xuất.
Khó thực hiện?
Thực tế, không chỉ doanh nghiệp, mà ngân hàng cũng hết sức sốt ruột mong Chính phủ có chính sách khoanh nợ. Theo Hiệp hội Ngân hàng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngay từ đầu năm 2020, các ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng như giảm phí dịch vụ, thanh toán cho khách hàng; chủ động rà soát tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ bị ảnh hưởng, dòng tiền kinh doanh của khách hàng để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Nhờ những chính sách, giải pháp kịp thời, đúng hướng của hệ thống ngân hàng đã giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước ổn định.
Tuy nhiên, việc cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, các tổ chức tín dụng chịu áp lực và gặp nhiều khó khăn trong việc phải loại dự thu đối với những khoản nợ cơ cấu, sắp tới các tổ chức tín dụng còn phải trích lập dự phòng rủi ro trong thời gian 3 năm. Như vậy, thực chất các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đã làm tăng tài sản không sinh lời, đồng nghĩa với việc giảm lợi nhuận, thậm chí một số tổ chức tín dụng có khả năng lỗ nếu dịch bệnh còn kéo dài.
Chính vì vậy, trong buổi làm việc cuối tuần qua, Hiệp hội Ngân hàng và các ngân hàng thương mại thành viên đã thống nhất kiến nghị NHNN kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch Covid-19, thay vì đến hết năm 2021 như hiện tại.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề nghị NHNN có cơ chế khoanh nợ không tính lãi trong một khoảng thời gian hợp lý, áp dụng với số dư nợ được cơ cấu nợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mà không phân biệt mục đích sử dụng vốn.
Bản chất khoanh nợ là cho phép doanh nghiệp được tạm dừng không phải trả nợ gốc hoặc lãi trong một khoảng thời gian nhất định. Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang quá nặng nề như hiện nay và chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt, mong mỏi được khoanh nợ của các doanh nghiệp và ngân hàng để đối phó với thực tế nợ xấu là điều dễ hiểu. Bởi, nếu nợ xấu diễn biến quá nhanh, trong khi lợi nhuận ngân hàng có hạn và không thể trích lập dự phòng rủi ro kịp thời sẽ gây rủi ro cho các tổ chức tín dụng.
Dù vậy, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc khoanh nợ không đơn giản, vì liên quan đến ngân sách. Nếu sau này, doanh nghiệp được khoanh nợ vẫn không trả được nợ, thì ngân sách phải bù. Đây là điều rất khó.
Với tình hình hiện nay, theo các chuyên gia, giải pháp căn cơ là sớm khống chế được dịch bệnh, thực hiện cơ cấu nợ và giảm lãi suất cho vay. Song song với đó là thực hiện đồng loạt các giải pháp hỗ trợ giảm thuế, phí cho doanh nghiệp.
Theo Vnbusiness.vn