Thứ Bẩy, 23/11/2024 03:51:23 GMT+7
Lượt xem: 18471

Tin đăng lúc 18-11-2018

Giao thông thông minh: Đất vàng cho các ứng dụng Việt

Quá trình phát triển hệ thống giao thông thành một hệ sinh thái thông minh, tiện lợi và sạch đang tạo ra mảnh đất dụng võ cho các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam.
Giao thông thông minh: Đất vàng cho các ứng dụng Việt
Ảnh minh họa

Không thể chỉ trông vào đi mua của nước ngoài

 

Trung bình mỗi năm Việt Nam có hơn 8.000 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Các phương tiện giao thông ở Việt Nam chiếm khoảng 50% lượng tiêu thụ xăng dầu và chịu trách nhiệm về khoảng 70% lượng phát thải gây ô nhiễm không khí. Nếu có khi nào giao thông thông minh trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta thì chính là lúc này.

 

Lợi ích của giao thông thông minh hết sức rõ ràng. Giao thông thông minh giúp giảm ô nhiễm môi trường thông qua việc sử dụng các phương tiện với nguồn nguyên liệu sạch và các dịch vụ “dùng chung, chia sẻ”. Giao thông thông minh cũng tăng cường an toàn bởi ở đó dữ liệu từ các cảm biến, dữ liệu hình ảnh được xử lý để cung cấp thông tin hỗ trợ cho người điều khiển phương tiện trong trường hợp cần thiết như cảnh báo nguy hiểm, tắc đường, hay tiếp cận người bị nạn…

 

Là giảng viên, nhà nghiên cứu, ông Tạ Hải Tùng – Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) – đặc biệt quan tâm đến một lợi ích nữa của giao thông thông minh, đó là nó có khả năng kích thích thị trường các ứng dụng tiện ích. “Rất nhiều ý tưởng sáng tạo - từ thông tin giao thông tức thời đến các vấn đề liên quan đến lộ trình, điểm đỗ - đều có thể nảy nở trên nền tảng giao thông thông minh.” Bản thân đơn vị ông đang quản lý đã tiến hành một số nghiên cứu về cảm biến GPS và đang có mong muốn phát triển ứng dụng Live Traffic.

 

Xét từ góc độ công nghệ, giao thông thông minh là nơi thi triển những công nghệ cao như hệ thống định vị toàn cầu (GPS), hệ thống thông tin địa lý (GIS), cơ sở dữ liệu (DB), các giải pháp truyền thông hay công nghệ lưu trữ năng lượng. Bởi vậy không bất ngờ khi một số nước có nền KH&CN đi đầu đang trở thành nguồn cung những thiết bị, ứng dụng, hay nền tảng giao thông thông minh cho cả thế giới sử dụng.

 

Ở điểm này, ông Tạ Hải Tùng thừa nhận rằng, về cơ bản, chúng ta sẽ vẫn phải nhập khẩu những thiết bị như cảm biến chất lượng cao. Song ông không quên nhấn mạnh “nhưng cảm biến đó hoạt động như thế nào trong môi trường Việt Nam lại là câu chuyện khác” và dẫn ra sự việc, cách đây mấy năm, khi các phương tiện kinh doanh vận tải bắt đầu phải lắp thiết bị giám sát hành trình và kết nối 3G về Trung tâm của Tổng cục Đường bộ, chúng ta đã có được dữ liệu để phạt nguội một số vi phạm giao thông, chủ yếu là vượt tốc độ, nhờ đó số vụ vi phạm giảm hẳn; tuy nhiên, để đối phó với quy định này, một số tài xế đã mua và cho lắp trên xe thiết bị phá sóng GPS của Trung Quốc với giá chưa đến một triệu đồng. “Bởi vậy, cảm biến mua ở nước ngoài dù công nghệ cao thế nào đi nữa cũng phải được kiểm định trong môi trường thực tế mới bảo đảm hoạt động trơn tru,” ông Tùng nói.

 

Trong khi đó, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN, cho rằng “không thể chỉ trông vào đi mua của nước ngoài về dùng”. Một trong những nhiệm vụ của Bộ KH&CN ở giai đoạn này cũng chính là tìm kiếm, phát triển các công nghệ phục vụ giao thông thông minh.

 

Trong cuộc đọ sức với các nhà phát triển ứng dụng giao thông thông minh nước ngoài, bên cạnh quan điểm ủng hộ của nhà quản lý như nêu ở trên, các nhà phát triển ứng dụng Việt Nam còn có một lợi thế đáng kể khác, đó là sự am hiểu tình hình địa phương. Trên thực tế, không ít lái xe nói Google Map chậm cập nhật thay đổi các tuyến đường nên nếu phần mềm nào đó của Việt Nam chỉ cần nhanh hơn một chút trong cập nhật đường một chiều hay đường cấm là đã có thể trở nên nổi bật bên cạnh Google Map rồi.

 

Hệ sinh thái không ai muốn rời đi

 

Một đặc thù của giao thông Việt Nam là xe máy chiếm đa số trong các phương tiện cá nhân: năm 2017, Việt Nam có khoảng 54 triệu xe máy, cao hơn con số xe ô tô đến mười mấy lần. Là loại phương tiện giao thông phổ biến như vậy nhưng xe máy lại đứng bên lề hệ thống giao thông thông minh đang được phát triển ở nước ta. Do thiết kế truyền thống, chúng không có khả năng ứng dụng các tiện ích để hòa nhập vào tính chất thông minh của hệ thống này, đó là chưa kể đa số các tiện ích giao thông cho đến nay chủ yếu được thiết kế dành cho ô tô.

 

Xu hướng sử dụng xe hai bánh như phương tiện cá nhân quan trọng nhất được dự báo chưa thể thay đổi trong vòng mấy chục năm tới do mức thu nhập của người Việt còn thấp và hạ tầng cơ sở cũng còn hạn chế. Ở một số nước trên thế giới, xe máy điện được chấp nhận trong khi xe máy động cơ nhiên liệu hóa thạch bắt đầu bị hạn chế.

 

Mặc dù tính chất thân thiện với môi trường của xe máy điện lúc thì được thổi phồng lúc lại bị nghi ngờ, nhưng theo các chuyên gia, so với xe chạy xăng, xe máy điện vẫn tốt hơn cho môi trường 25%.

 

 

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó viện trưởng Viện KH&CN giao thông – vận tải, nơi đang xây dựng tiêu chuẩn kiến trúc của hệ thống giao thông thông minh, khẳng định, “Vai trò của xe máy trong đời sống của người Việt vẫn còn rất lớn. Với sự kiện Vinfast cho ra đời sản phẩm xe máy điện đầu tiên, chúng ta đang có hy vọng về một thế hệ xe máy mới có khả năng gia nhập hệ thống giao thông thông minh.

 

Vấn đề bây giờ là cần đẩy nhanh nghiên cứu triển khai các ứng dụng thông minh nhằm cải thiện an toàn, tiện lợi cho số đông người sử dụng. Hệ thống các ứng dụng này ngoài tập trung vào các tính năng chỉ dẫn đường, cảnh báo tắc đường, cung cấp thông tin thời gian thực còn cần có tính năng cảnh báo chống trộm và tiết kiệm năng lượng.”

 

Xe máy khi được nâng cấp lên thành thông minh - tức là không phải chỉ có động cơ điện mà còn có nối Bluetooth, 3G, có màn hình hiển thị... - sẽ trở thành một nền tảng đích thực để các nhà nghiên cứu, các startup tha hồ phát triển các tiện ích hay các phụ kiện hỗ trợ quanh nó, từ ứng dụng chia sẻ-dùng chung, lên lộ trình tối ưu, thu phí không dừng (RFID)… đến loa bluetooth gắn trên mũ bảo hiểm để người điều khiển xe nghe được chỉ dẫn về giao thông trong khi di chuyển.

 

“Nếu nhà sản xuất xe máy điện thông minh hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo và sẵn sàng cung cấp dữ liệu API [giao diện lập trình ứng dụng] thì chắc chắn họ càng thu hút được mối quan tâm của nhiều nhà phát triển ứng dụng đối với sản phẩm của mình,” ông Tạ Hải Tùng nói.

 

Khi hệ sinh thái, bao gồm xe thông minh, ứng dụng - phụ kiện hỗ trợ đa dạng, hạ tầng kết nối tiện lợi… - mang lại cho người dùng trải nghiệm tốt, họ sẽ không bao giờ muốn rời đi nữa.

 

Nói tóm lại, các phương tiện giao thông thông minh có khả năng kích thích các nhà nghiên cứu, các startup sáng tạo mạnh mẽ. Bên cạnh việc hướng tới những tiện ích mang tính đặc thù, phục vụ nhu cầu cụ thể trong nước, không có gì ngăn trở họ tham gia giải những bài toán giao thông thông minh mang tính toàn cầu.

 

Lấy thí dụ, nếu tất cả các xe đều được cảnh báo về nguy cơ tắc nghẽn ở một con đường thì có khả năng không xe nào đi vào con đường đó nữa và tắc nghẽn sẽ dồn sang con đường trước đó được thông tin là vắng vẻ - bài toán ở đây là khi chỉ nên cảnh báo cho một bộ phận các xe đang tham gia giao thông thì nên chọn xe nào để cảnh báo còn xe nào thì không.

 

Một bài toán khác, nên lập trình cho xe tự lái ra sao trong những tình huống tiến thoái lưỡng nan, phải hy sinh mạng sống hoặc của người này hay người kia. Bài toán này cũng không có gì quá xa vời với các nhà nghiên cứu, phát triển ứng dụng của Việt Nam trong bối cảnh FPT đã thử nghiệm chiếc xe tự lái đầu tiên trong khuôn viên của họ.

 

Theo Khoahocphattrien.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang