Diễn đàn có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, các các hiệp hội ngành hàng và đông đảo doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại nông sản, thủy sản của hai nước. Hoạt động này vừa nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác nông nghiệp giữa hai nước, vừa mừng chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Nga.
Việt Nam hiện là đối tác số một Đông Nam Á về kim ngạch thương mại với Liên bang Nga. Kim ngạch thương mại Việt - Nga hai chiều giai đoạn 2018-2020 là khoảng 4,5 tỷ USD/năm, trong đó nông sản chiếm khoảng 18-20%, tương đương 900 triệu USD/năm. So với con số trước năm 2018 là khoảng 500 triệu USD/năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản đã tăng khoảng 80%.
Đà tăng này được duy trì sang năm 2021. Tính đến 10 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Nga đạt khoảng 469 triệu USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga là thủy sản, cà phê, điều, trái cây, chè, gỗ, gạo. Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Nga là thủy sản, lúa mỳ, phân bón, gỗ, gần đây là các sản phẩm thịt, sữa.
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 544 tỷ USD, trong đó các sản phẩm nông nghiệp là 41,2 tỷ USD. 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 38,76 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nhiều mặt tới đời sống xã hội, ngành nông nghiệp có thể coi là hoàn thành mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế” khi Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á và thứ 16 trên thế giới về giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Ông Trần Thanh Nam- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam- nhận định, cơ cấu các sản phẩm xuất nhập khẩu giữa hai nước không cạnh tranh trực tiếp, và bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, kim ngạch trên còn thấp so với tiềm năng kinh tế, quan hệ chính trị lâu đời giữa hai nước, và tổng quy mô dân số 250 triệu dân.
Cũng theo ông Trần Thanh Nam, xác định mở rộng quy mô thị trường xuất khẩu nhằm giúp nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trương xúc tiến thương mại thị trường Việt - Nga, nhằm biến đây trở thành tâm điểm kết nối của vùng Đông Nam Á và Cộng đồng các quốc gia độc lập - SNG (Liên Xô cũ).
Một yếu tố nữa góp phần vào xu thế này, là Hiệp định AEAU có hiệu lực từ ngày 5/10/2016, với Nga là thành viên chủ chốt. Theo Hiệp định AEAU, nhiều loại thuế áp dụng cho nông sản sẽ được hưởng mức ưu đãi thấp, một số mặt hàng thậm chí giảm về 0% khi Hiệp định có hiệu lực.
Diễn đàn thu hút 200 đại biểu, trong đó có rất nhiều doanh nhân 2 nước. Tại Diễn đàn, hai bên đã cùng nhau chia sẻ về một số quy định về an toàn thực phẩm, hướng dẫn cho doanh nghiệp hai nước và các kiến nghị, giải pháp đẩy mạnh hợp tác thương mại hai nước. Các tổ chức thương mại, hiệp hội ngành hàng cũng đã thông tin về những khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm trong xuất nhập khẩu nông sản, thủy sản giữa Việt Nam - Nga.
Với mục tiêu kết nối doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy giao thương, gia tăng kim ngạch nông sản, hướng tới tổng kim ngạch 10 tỷ USD. Diễn đàn là cơ hội để các bên trao đổi về tình hình hợp tác song phương, cũng như tận dụng được lợi thế của các sản phẩm thế mạnh, và đặc biệt biến “thách thức thành cơ hội” trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Về phía thị trường Nga, đại diện Miratorg cho biết, Việt Nam là thị trường ưu tiên của doanh nghiệp đối với tất cả các loại sản phẩm ở tất cả các kênh phân phối. Tỷ trọng doanh thu xuất khẩu sang Việt Nam của doanh nghiệp đạt 34%.
Ở chiều ngược lại, đại diện các doanh nghiệp của Việt Nam cho rằng, hiện xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam mới chủ yếu là xuất khẩu thô. Dư địa cho xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường Nga là rất lớn.
Chia sẻ những khó khăn về xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nga, bà Tô Tường Lan- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)- cho biết, chi phí vận tải tăng cao, khó khăn về đồng tiền thanh toán, các hàng rào kỹ thuật tương đối chặt chẽ theo các quy định riêng của Liên bang Nga, số lượng doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Nga còn hạn chế do thủ tục đăng ký phức tạp, thời gian xét duyệt kéo dài. Mặt khác, lệnh hạn chế xuất khẩu của doanh nghiệp vẫn còn kéo dài chưa được xử lý kịp thời gây ảnh hưởng đến quy trình xuất khẩu của doanh nghiệp.
Để thúc đẩy tăng trưởng thương mại nông sản, thủy sản Việt Nam và Liên bang Nga, bà Tô Tường Lan kiến nghị 2 bên cần tăng cường trao đổi, hợp tác giữa các cơ quan nhằm đánh giá, tháo gỡ khó khăn thị trường xuất khẩu. Thúc đẩy thanh toán song phương bằng nội tệ. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu giữa Việt Nam và Liên bang Nga....
Mặc dù hiện nay Liên bang Nga đã là thành viên đầy đủ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhưng nước này vẫn áp dụng một số biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế như EU, Ủy ban CODEX. Cách thức Cơ quan kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (FSVPS) cấp phép cho các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam rất tùy tiện, gây khó khăn và không báo trước nên làm khó các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, cần có hội nghị xúc tiến thương mại thường xuyên về nông sản, thủy sản giữa hai nước. Bên cạnh đó, việc thành lập hiệp hội nông sản Việt - Nga cũng hết sức cần thiết để kết nối doanh nghiệp hai bên nhằm cùng nhau trao đổi thông tin, nhu cầu thị trường cũng như thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản hai nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp 2 nước đầu tư sang nhau.
Trước đó, vào tháng 10/2021, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã làm việc với Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Bezdetko. Trong buổi họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, hai nước có tiền đề phát triển ở nhiều dự án xúc tiến thương mại và diễn đàn giữa doanh nghiệp hai bên. Người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam mong muốn, doanh nghiệp hai bên tăng cường trao đổi, thông tin cụ thể, giúp tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, đồng thời đưa ra lộ trình để việc giao thương đạt hiệu quả tối ưu.
Hiện nay, Nga mới chỉ cấp phép cho 50 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nga (tổng số doanh nghiệp Việt Nam nộp hồ sơ là 172). Việt Nam cũng đã đề nghị Nga mở cửa cho thị trường các sản phẩm chăn nuôi nhưng phía Nga mới đồng ý 02 sản phẩm (thịt gà/gia cầm chế biến và sữa). Việt Nam đang đề nghị phía Nga chấp thuận cùng đánh giá và công nhận tương đương về quản lý an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thủy sản và thịt thay cho kiểm tra đánh giá từng doanh nghiệp để có thể đưa nhiều doanh nghiệp hai bên xuất khẩu sang nhau. Tuy nhiên, phía Nga chưa đồng ý về đề nghị này. Ở chiều ngược lại, đối với các sản phẩm thịt (gà, bò, lợn, gia cầm), tính đến nay, đã có 52 doanh nghiệp của Liên bang Nga được chấp thuận xuất khẩu thịt vào Việt Nam. Đối với sữa và các sản phẩm từ sữa, tháng 11/2020 Việt Nam đã cho phép phía bạn có thể xuất khẩu các sản phẩm này vào Việt Nam. Tháng 9/2021, Việt Nam cũng đã cấp phép 26 doanh nghiệp thủy sản của bạn chính thức được phép xuất khẩu vào Việt Nam (cá tôm, cua nước lạnh). Lúa mỳ nhập khẩu từ Nga đã được Cơ quan chuyên môn 2 bên đang phối hợp chặt chẽ kiểm soát mặt hàng này tạo điều kiện cho nhập khẩu như bình thường. Theo đó, phía Nga sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra và kiểm soát các doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu không có cỏ kế đồng, sau đó gửi cho phía Việt Nam xem xét công nhận. Hiện nay vấn đề này chưa được xử lý dứt điểm. |
Theo Congthuong.vn