Cụ thể, ba ý tưởng đều có mã hiệu là “ZEROe” - dành cho máy bay thương mại không khí thải đạt ngưỡng trung hòa khí hậu đầu tiên. Ý tưởng thứ nhất là thiết kế tuabin cánh quạt đẩy (120-200 hành khách) với phạm vi hoạt động hơn 2.000 hải lý (3.704km), có khả năng bay xuyên lục địa và được cung cấp năng lượng bởi động cơ tuabin khí cải tiến chạy bằng hydro thông qua quá trình đốt cháy thay vì nhiên liệu máy bay. Hydro lỏng sẽ được lưu trữ và phân phối thông qua các bồn chứa nằm phía sau vách ngăn áp suất ở sau máy bay.
Thứ hai, thiết kế tuabin cánh quạt (lên tới 100 hành khách) sử dụng động cơ tuabin cánh quạt thay vì động cơ tuabin cánh quạt đẩy và cũng được cung cấp năng lượng bằng việc đốt cháy hydro trong động cơ tuabin khí cải tiến, khả năng bay hơn 1.000 hải lý (1.852km) giúp máy bay trở thành một lựa chọn hoàn hảo cho các chuyến bay ngắn.
Thứ ba, thiết kế “thân cánh pha trộn” (lên tới 200 hành khách) trong đó các cánh hợp nhất với thân chính của máy bay và có phạm vi hoạt động tương tự như ý tưởng tuabin cánh quạt đẩy. Thân máy bay đặc biệt rộng cung cấp nhiều tùy chọn để lưu trữ và phân phối hydro cũng như cách bố trí cabin.
Tất cả những ý tưởng này đều dựa vào hydro là nguồn năng lượng chính - một lựa chọn mà Airbus đặc biệt tin rằng sẽ đem lại một loại nhiên liệu hàng không sạch và hứa hẹn sẽ là giải pháp cho ngành hàng không vũ trụ và nhiều ngành công nghiệp khác nhằm đáp ứng các mục tiêu trung hòa khí hậu.
Ông Guillaume Faury, Giám đốc điều hành của Airbus cho biết, đây là thời điểm lịch sử đối với ngành hàng không thương mại nói chung và chúng tôi dự định sẽ đóng vai trò dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi quan trọng nhất mà ngành hành không từng chứng kiến. Những ý tưởng này sẽ giúp hãng khám phá và hoàn thiện thiết kế của máy bay thương mại không khí thải đạt ngưỡng trung hòa khí hậu đầu tiên trên thế giới mà chúng tôi mong muốn đưa vào hoạt động vào năm 2035.
Quá trình chuyển đổi sang hydro như nguồn năng lượng chính cho các ý tưởng máy bay này sẽ đòi hỏi hành động quyết liệt từ toàn bộ hệ sinh thái ngành hàng không.
“Airbus sẽ vượt qua thách thức này cùng với sự hỗ trợ của chính phủ và các đối tác công nghiệp nhằm mở rộng quy mô năng lượng tái tạo và nhiên liệu hydro vì một tương lai bền vững của ngành hàng không”, ông Guillaume Faury nhấn mạnh.
Để vượt qua những thách thức này, các sân bay sẽ cần cơ sở hạ tầng vận chuyển và tiếp nhiên liệu hydro quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu hoạt động hàng ngày. Sự hỗ trợ từ các chính phủ sẽ là chìa khóa để đáp ứng các mục tiêu đầy tham vọng này thông qua việc tăng cường tài trợ cho lĩnh vực nghiên cứu và công nghệ, số hóa và các cơ chế khuyến khích việc sử dụng nhiên liệu bền vững và đổi mới đội bay giúp các hãng hàng không loại bỏ các máy bay cũ và kém thân thiện với môi trường hơn.
Trước đó, vào ngày 2/7, Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps cho biết, vương quốc này muốn trở thành nước đầu tiên phát triển một máy bay thương mại có thể bay qua Đại Tây Dương mà không thải khí CO2. "Chúng tôi đã thành lập hội đồng JetZero (tức máy bay không thải khí) hướng tới mục tiêu để Anh trở thành nước đầu tiên sản xuất một máy bay dân dụng loại lớn phục vụ thương mại có thể bay qua Đại Tây Dương mà không thải khí CO2", ông Shapps nói. Theo ông, việc này sẽ không chỉ cần đầu tư vào nhiên liệu bền vững cho ngành hàng không như hiện nay, mà còn cần đầu tư cho máy bay chạy bằng điện, máy bay dùng nhiên liệu lai và máy bay chạy bằng hydrogen. |
Theo VietQ