Còn đó những khó khăn, thách thức
Thái Nguyên hiện có 04 nhóm ngành CNHT gồm: Ngành Điện tử, Cơ khí chế tạo, Sản xuất lắp ráp ô tô và Dệt - May. Trong 04 nhóm ngành này, chỉ có duy nhất ngành cơ khí chế tạo được xem là nhóm có sự tăng trưởng khá, giá trị sản xuất của nhóm ngành này mỗi năm đạt trung bình gần 13.000 tỷ đồng, tăng bình quân khoảng trên 20%/năm. Các nhóm ngành còn lại chỉ tăng bình quân từ 3 - 10%/năm.
Nhóm ngành CNHT Dệt - May được kỳ vọng có sự tăng trưởng lớn bởi hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn có lịch sử hình thành lâu đời từ những năm 90 của thế kỷ XX, nhưng cũng chưa mấy khả quan. Bởi hầu hết các sản phẩm hỗ trợ cho ngành đều phải nhập khẩu hoặc được cung cấp từ các trung tâm dệt may lớn của cả nước, như: TP.Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai... Do vậy, tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành này không đáng kể và tỷ trọng các sản phẩm hỗ trợ sản xuất trong nước trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành chỉ đạt khoảng 3 - 5%/năm.
Đối với lĩnh vực CNHT nhóm ngành sản xuất lắp ráp ô tô, tại Thái Nguyên, ngoài một số doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn có thể sản xuất được số ít chi tiết phụ tùng cho xe tải và xe máy thì còn lại các doanh nghiệp tại địa phương chưa tham gia được vào chuỗi của nhóm ngành này. Nguyên nhân là do công nghệ sản xuất cơ khí, điện - điện tử và các lĩnh vực liên quan chỉ ở mức trung bình khá, chưa thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Thêm vào đó, thị trường ô tô quá nhỏ nên các doanh nghiệp cũng không có động lực đầu tư. Các cơ sở sản xuất phụ tùng và động cơ diesel chỉ tập trung phát triển sản phẩm hỗ trợ lắp ráp xe máy do nhu cầu lớn và phù hợp với năng lực công nghệ của nhà máy.
Thu hút doanh nghiệp CNHT vào các KCN
Dù còn gặp khó khăn nhưng không thể phủ nhận sức hút của Thái Nguyên đối với các doanh nghiệp CNHT. Hiện nay, tỉnh đang triển khai mạnh mẽ những chính sách thu hút đầu tư đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời tạo được những dấu ấn và sức hút đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Ahn Hui Sun, Phó Giám đốc Công ty CP Aluminium Hàn Việt chia sẻ: Chúng tôi quyết định đầu tư vào KCN Điềm Thụy Thái Nguyên bởi lý do Công ty có những doanh nghiệp hàng đầu về cung cấp các sản phẩm phôi nhôm phục vụ ngành công nghiệp công nghệ cao, trong đó có các doanh nghiệp phụ trợ của Tập đoàn Samsung. Tại đây, ngoài lợi thế về vị trí địa lý, giao thông thuận tiện, Công ty còn nhận được nhiều sự hỗ trợ về chính sách đầu tư, thủ tục đăng ký đầu tư thuận lợi và nhanh gọn.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên, nhằm phát huy tối đa lợi thế, cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế, tỉnh Thái Nguyên đã và đang ưu tiên triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với sự chủ động đổi mới, sáng tạo.
Cùng với định hướng đồng hành với doanh nghiệp, tỉnh còn tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ triển khai các dự án phát triển hạ tầng KCN, gắn với chuẩn bị kỹ các điều kiện sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư dịch vụ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu…
Thái Nguyên tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Đối với các KCN, hiện có 5/8 KCN đi vào hoạt động ổn định, thu hút 302 dự án đăng ký đầu tư. Trong đó, có 167 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 10,8 tỷ USD; 135 dự án DDI tổng vốn đăng ký trên 17,3 nghìn tỷ đồng. Nhiều KCN đã có tỷ lệ lấp đầy đạt 100% diện tích.
Năm 2023, là năm khó khăn chung của nền kinh tế, lạm phát lan rộng trên toàn thế giới, sự bất ổn chính trị xảy ra ở nhiều khu vực, song Thái Nguyên vẫn được chọn là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thái Nguyên đã có 48 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, đạt 320% so với kế hoạch năm, với tổng vốn đăng ký đạt trên 225 triệu USD và trên 1.000 tỷ đồng. Đây là những minh chứng rõ nét cho thấy, dư địa phát triển và ưu thế của tỉnh Thái Nguyên trong thu hút các nhà đầu tư vào các KCN.
Giải pháp thúc đẩy CNHT phát triển
Trong Chương trình phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra mục tiêu các nhóm ngành CNHT phấn đấu tăng trưởng bình quân từ 9 - 20%/năm trở lên.
Để đạt được mục tiêu này, theo ý kiến một số chuyên gia cũng như đại diện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Nhà nước cần khảo sát, đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp CNHT để có cơ sở kết nối, hỗ trợ. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Xây dựng chính sách về thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng nhập khẩu phù hợp để giúp các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh cắt giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh so với hàng hóa nhập khẩu. Đặc biệt, tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất, thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; Hỗ trợ, tư vấn đào tạo cho các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp và quản trị sản xuất phù hợp với yêu cầu quốc tế, đảm bảo tham gia vào các chuỗi sản xuất sản phẩm…
Tại buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã yêu cầu trong thời gian tới, Thái Nguyên cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng mà tỉnh có thế mạnh gắn với tận dụng lợi thế, thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số và chú trọng xử lý vấn đề môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh cần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp, nhất là ngành chế biến, chế tạo theo hướng đẩy mạnh các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, công nghệ sạch và sản xuất hàng xuất khẩu.
Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI trong quá trình đầu tư, từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu; Đẩy mạnh phát triển CNHT phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực, thế mạnh của tỉnh và khu vực, đáp ứng nguyên liệu đầu vào, tăng tỷ trọng nội địa trong sản xuất công nghiệp.
Duy Tiên