Thứ Hai, 25/11/2024 15:26:13 GMT+7
Lượt xem: 8229

Tin đăng lúc 22-12-2019

Gốm Chu Đậu - điểm du lịch làng nghề Hải Dương

Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu - thành viên của Tập đoàn BRG phối hợp với UBND huyện Nam Sách vừa tổ chức "Lễ công bố quyết định và gắn biển điểm du lịch làng nghề Gốm Chu Đậu" tại xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Gốm Chu Đậu -  điểm du lịch làng nghề Hải Dương
Tâm huyết, trăn trở với Gốm Chu Đậu của bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG đã được đền đáp

Gốm Chu Đậu vốn là dòng gốm cổ của Việt Nam có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ XII - XIII, phát triển rực rỡ vào đầu thế kỷ XIV - XV. Với gần 600 năm lịch sử, Gốm Chu Đậu giữ vị trí quan trọng trong lịch sử thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, hiện đang được gìn giữ và phát huy bởi Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu - một thành viên của Tập đoàn BRG.

 

Theo nhiều tư liệu để lại cho rằng, nữ doanh nhân đầu tiên trong lịch sử Việt Nam là bà Bùi Thị Hý - bà tổ nghề gốm Chu Đậu. Từ việc thấy bút ký của bà được lưu lại trên chiếc bình gốm Hoa Lam trưng bày tại bảo tàng Topaki Saray, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, gốm cổ Chu Đậu đã được phát hiện vào những năm 80 của thế kỷ XX.

 

Nhận thấy ý nghĩa và giá trị của gốm Chu Đậu, năm 2001, Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần (Hapro), thành viên của Tập đoàn BRG đã quyết định thành lập Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu với sứ mệnh phục hưng dòng gốm cổ Chu Đậu đã bị thất truyền, xây dựng Chu Đậu thành một thương hiệu gốm cao cấp tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu, đồng thời phát triển vùng quê thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương thành điểm du lịch làng nghề.

 

Song song với tập trung khôi phục và nỗ lực phát triển dòng gốm cổ ở thời kỳ hiện đại, Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu còn có những đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng làng nghề gốm Chu Đậu. Từ ngôi làng Chu Đậu không ai biết đã từng có một nghề gốm nổi tiếng, trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển, Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu đã phục hưng được hàng trăm mẫu mã cổ đồng thời nghiên cứu thành công nhiều dòng sản phẩm mới có giá trị và được khách hàng ưa chuộng.

 

Theo định hướng phát triển của Tập đoàn BRG mà trực tiếp là Chủ tịch Nguyễn Thị Nga cùng mạng lưới kinh doanh thương mại nội địa rộng khắp, các sản phẩm gốm gia dụng, tâm linh, quà tặng của Chu Đậu được người tiêu dùng tin tưởng và dần khẳng định được thương hiệu của mình trong lòng người tiêu dùng Việt.

 

Cùng với thế mạnh trong kinh doanh xuất nhập khẩu của Tập đoàn BRG tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bên cạnh các tác phẩm gốm Chu Đậu đang được trân trọng bảo quản và trưng bày tại 46 viện bảo tàng nổi tiếng trên thế giới như Tokyo – Nhật Bản, thành phố Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ... các sản phẩm gốm Chu Đậu cũng đã được xuất khẩu tới hơn 30 thị trường.  Rất nhiều các sản phẩm gốm Chu Đậu còn được chọn làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia trong một số sự kiện ngoại giao lớn của đất nước, góp phần mang bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới.

 

Đặc biệt, mới đây, Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu đã vinh dự được Tổ chức Kỷ lục thế giới xác nhận tác phẩm: đĩa 1.000 chữ Long viết bằng thư pháp đạt kỷ lục thế giới. Chiếc đĩa được vinh danh không những tôn vinh tài hoa của người nghệ nhân gốm Chu Đậu, mà còn làm rạng danh nghề gốm sứ Việt Nam xứng danh 10 chữ vàng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng: “Gốm Chu Đậu, bản sắc Việt - Toả sáng năm châu”.

 

Từ nhiều năm trở lại đây, phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm, các xưởng sản xuất của công ty trở thành điểm tham quan, trải nghiệm quy trình làm gốm hấp dẫn đối với khách du lịch. Từ thực tế đó, mới đây, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 3009/QĐ-UBND công nhận làng nghề gốm Chu Đậu là điểm du lịch của tỉnh. Trong đó, Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu là một trong những điểm đến du lịch giá trị của Hải Dương.

 

Hiện nay, làng nghề Chu Đậu thu hút trên 500 lao động tại địa phương, doanh số ước đạt 400 tỷ đồng/năm. Thêm vào đó, Chu Đậu còn phát triển các ngành nghề dịch vụ thương mại khác, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

 

Được công nhận là "Điểm du lịch làng nghề gốm Chu Đậu" không chỉ là nguồn động viên to lớn ghi nhận những đóng góp của Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu, Tổng công ty thương mại Hà Nội Hapro, Tập đoàn BRG trong việc phục hưng dòng gốm cổ, xây dựng làng nghề gốm Chu Đậu; đồng thời cũng đẩy mạnh sự quan tâm của khách du lịch, thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động du lịch của Chu Đậu nói riêng và huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương nói chung.

 

Theo Thời Báo Ngân Hàng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang