Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, tạo điểm nhấn cho ngành nông nghiệp địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nam phối hợp với VNPT Hà Nam thực hiện kế hoạch hỗ trợ xây dựng logo nhãn hiệu, in tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông nghiệp sạch, sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam.
Sau 2 tháng thực hiện, đến nay, toàn tỉnh đã có 10 cơ sở được hỗ trợ xây dựng logo nhãn hiệu, 6 cơ sở được in tem truy xuất nguồn gốc (10.000 tem/cơ sở) và 1 cơ sở được hỗ trợ mua máy in.
Trong thị trường hiện nay, hàng thật hàng giả lẫn lộn khiến người tiêu dùng bối rối, không biết phân biệt thế nào. Khi đó, mã vạch sẽ là giải pháp hiệu quả, hữu hiệu nhất.
Chị Nguyễn Ngọc Bảo Anh (phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý) cho biết: "Tôi thấy trên sản phẩm ổi có dán tem truy xuất nguồn gốc nên đã dùng điện thoại để kiểm tra và biết số ổi đó có địa chỉ và số điện thoại từ một hộ sản xuất ở Trác Văn. Vì vậy, tôi rất yên tâm khi lựa chọn sản phẩm này về cho gia đình.
Thông qua tem được dán, người mua hàng chỉ sử dụng các phần mềm cài ứng dụng quét mã QR hoặc có sẵn ở Zalo, Viber trên điện thoại smartphone (có kết nối Internet) là có thể truy xuất được nguồn gốc, biết rõ được sản phẩm mình chuẩn bị mua có xuất xứ từ đâu và chất lượng như thế nào".
Từ góc độ doanh nghiệp, áp dụng tem truy xuất nguồn gốc đem đến nhiều lợi ích. Thứ nhất, tính cạnh tranh của sản phẩm dán tem truy xuất sẽ cao hơn các sản phẩm cùng loại. Thứ hai, dán tem cho phép truy xuất đầy đủ thông tin sản xuất và phân phối sản phẩm là cách doanh nghiệp khẳng định sự minh bạch và uy tín của mình, xây dựng hình ảnh đáng tin cậy trong lòng người tiêu dùng.
Ngoài ra, tem truy xuất sẽ là hàng rào bảo vệ uy tín sản phẩm và doanh nghiệp trước nạn hàng giả, hàng nhái nhờ thông tin chính thống được cung cấp 2 chiều. Về lâu dài, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức giải quyết các vấn đề liên quan đến hàng giả; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhờ các tiện ích khi áp dụng công nghệ này.
Là trang trại trồng ổi lê có quy mô diện tích lớn của xã Trác Văn (Duy Tiên), gia đình ông Nguyễn Văn Vinh đã chủ động đăng ký xây dựng logo nhãn hiệu và dán tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm của gia đình. Ông Vinh chia sẻ, do sản xuất ổi sạch, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng phân hữu cơ và các phương pháp thủ công nên ổi được rất nhiều người tiêu dùng tin tưởng.
Tuy nhiên, khi thấy cây ổi có giá trị kinh tế, người dân đua nhau trồng, ổi của gia đình đã bị đánh đồng với ổi ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Do vậy, chỉ khi có logo nhãn hiệu và tem nhãn riêng thì tôi mới yên tâm sản xuất. Hơn nữa, khi sản phẩm được dán tem có giá bán cao hơn 20-25% so với trước, hiện tôi đang bán ổi có giá từ 22.000- 24.000 đồng/kg.
Ông Vũ Văn Thường - Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Nam cho biết, mặc dù lợi ích của việc dán tem truy xuất nguồn gốc đã rõ nhưng hiện nay việc thực hiện hỗ trợ dán tem truy xuất nguồn gốc cho các mô hình vẫn còn gặp phải một số khó khăn. Do nhiều mô hình chưa được đăng ký và nghiệm thu, nhất là đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch; nhiều hộ, cơ sở sản xuất vừa và nhỏ chưa xây dựng hoặc thực hiện được các chương trình bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các sản phẩm được dán tem chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố lớn, các cửa hàng nông sản sạch, an toàn nên vẫn còn nhiều người dân chưa được thụ hưởng từ sản phẩm này.
Ông Cao Đức Đồng - Trưởng đại diện VNPT Hà Nam cho biết, VNPT Check là một ứng dụng CNTT sử dụng tem điện tử để truy xuất nguồn gốc hàng hóa được coi là “chìa khóa” khởi tạo lại niềm tin cho người tiêu dùng, doanh nghiệp. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng này cung cấp cho người tiêu dùng phương tiện kiểm tra nguồn gốc hàng hóa một cách chính xác và tin cậy, dễ dàng được kiểm tra xác thực bởi các phương tiện phổ biến là Smartphone.
Nguồn Enternews