Chủ Nhật, 24/11/2024 13:35:03 GMT+7
Lượt xem: 4200

Tin đăng lúc 22-09-2019

Hà Nội: 10 nội dung được chú trọng để hoàn thiện Chính quyền điện tử

Mới đây, TP.Hà Nội đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả ứng dụng CNTT trên địa bàn thành phố Hà Nội và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2019 dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban chỉ đạo Xây dựng chính quyền điện tử thành phố Hà Nội.
Hà Nội: 10 nội dung được chú trọng để hoàn thiện Chính quyền điện tử
Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì hội nghị

10 nội dung được chú trọng để hoàn thiện Chính quyền điện tử

 

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hiện đại hóa hành chính, góp phần tạo bước đột phá trong công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng Chính quyền điện tử là nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đã đề ra. Nhận thức được vai trò đó, trong những năm qua, TP. Hà Nội đã triển khai đồng bộ, hiệu quả việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn và trong đời sống kinh tế xã hội.

 

Tại hội nghị, các đại biểu đã được thông qua báo cáo, đề xuất việc thực hiện Thông báo số 320/TB-VPCP ngày 9-9-2019 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về phân công nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử giữa Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông; thống nhất phương án tiếp nhận, vận hành dịch vụ công trực tuyến đã triển khai của thành phố. Các thành viên Ban chỉ đạo cũng đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Quyết định của UBND TP về việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử Thành phố; việc xây dựng các cơ sở dữ liệu cốt lõi; Số hóa các cơ sở dữ liệu. Bên cạnh đó, một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu tại cuộc họp đó là việc thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Hà Nội. Hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã được Thành phố triển khai trên các lĩnh vực thu tiền điện, nước, điện thoại cũng như thí điểm thanh toán phí Iparking. Hiện, Sở GDĐT đang làm việc với các đơn vị phát triển phần mềm và ngân hàng quân đội, nhằm xây dựng phương án thanh toán học phí qua ứng dụng sổ liên lạc điện tử.

 

Tóm tắt nội dung hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Ứng dụng CNTT là một công cụ chính để thực hiện cải cách hành chính. Việc xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng thành phố thông minh, số hóa nền kinh tế là xu hướng bắt buộc. Chỉ có con đường này chúng ta mới nâng cao được năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Theo đó, Chủ tịch UBND TP cũng nêu ra 10 nội dung đề nghị các sở, ngành, đơn vị tập trung thực hiện nhằm bảo đảm xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử thành phố Hà Nội. Chủ tịch cũng chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng khác như: Số hóa dữ liệu, triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố, xây dựng cơ sở dữ liệu cốt lõi, bảo mật và an toàn thông tin, đào tạo nguồn nhân lực…Đồng thời, cần tiếp tục triển khai các dịch vụ công (DVC).

 

Liên quan đến việc triển khai các DVC trực tuyến, Đến quý II/2019, Hà Nội đã triển khai 1.272 dịch vụ công trực tuyến, trong đó 1.074 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 198 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt tỷ lệ 74%. Theo đó, Thành phố đã công bố danh mục 72 TTHC, sửa đổi bổ sung 01 danh mục TTHC, 01 TTHC và bãi bỏ 161 TTHC. 100% các quyết định công bố thủ tục hành chính sau khi ban hành đã được công khai theo quy định trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, tại nơi tiếp nhận và giải quyết TTHC và các hình thức khác theo quy định. Ngoài ra, Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố được nâng cấp, mở rộng trên nền tảng mới, cung cấp kịp thời thông tin chỉ đạo điều hành của UBND Thành phố, tích hợp kết nối dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính tạo sự thuận tiện tối đa cho người dân khi làm sử dụng DVC.

 

Tiếp tục rà soát, cắt giảm, rút ngắn quy trình các TTHC

 

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, TP đặt ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2019, 100% tất cả các thủ tục DVC từ cấp phường xã đến các quận, huyện, sở, ngành, các doanh nghiệp DVC của Hà Nội phải chuyển sang mức độ 3,4. Trong đó, DVC mức độ 4 tối thiểu đạt 30% trở lên. Để hoàn thành mục tiêu này, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Giám đốc các sở tiếp tục rà soát, cắt giảm, rút ngắn quy trình các TTHC.

 

Chủ tịch UBND TP đã giao cho Văn phòng UBND TP phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội sớm hoàn thiện dự thảo sửa đổi Quyết định của UBND TP về việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử Thành phố. Trong đó, đồng chí Chủ tịch UBND TP làm trưởng Ban; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý làm Phó Trưởng Ban Thường trực. Phó Trưởng ban gồm các đồng chí Giám đốc Sở TT&TT và Giám đốc Sở Nội vụ; Giám đốc các sở, ngành là thành viên thường trực. Cơ quan thường trực, giúp việc Tổ Công tác đặt tại Văn phòng UBND Thành phố do đồng chí Lê Tự Lực, Phó Chánh Văn phòng UBND TP làm Tổ trưởng.Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất UBND TP, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo các sở, ban, ngành TP, UBND các quận, huyện, thị xã về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý, giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, cải cách hành chính theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của UBND TP, Chủ tịch UBND TP.

 

Ngoài ra, Chủ tịch thành phố cũng lưu ý các sở: Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo… chú trọng việc đào tạo về công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao nhận thức về vấn đề này cho người dân; đặc biệt, cần xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin cho tương lai hướng tới hoàn thiện chính quyền điện tử trong thời gian tới.

 

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hiện đại hóa hành chính, góp phần tạo bước đột phá trong công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng Chính quyền điện tử là nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đã đề ra. Nhận thức được vai trò đó, trong những năm qua, TP. Hà Nội đã triển khai đồng bộ, hiệu quả việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn và trong đời sống kinh tế xã hội.

 

Theo Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang