Chủ Nhật, 24/11/2024 00:50:51 GMT+7
Lượt xem: 933

Tin đăng lúc 16-01-2022

Hà Nội: Bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa dịp Tết Nhâm Dần 2022

Để đảm bảo lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ngành công thương và các DN Hà Nội đã chủ động kết nối cung cầu, dự trữ hàng hóa, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến.
Hà Nội: Bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa dịp Tết Nhâm Dần 2022
Hà Nội đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm phục vụ Tết cho người dân. Ảnh: Thanh Hải

Liệu có khan hiếm hàng hóa thiết yếu?

 

Theo Sở Công Thương Hà Nội, dự báo dịp Tết Nhâm Dần, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân sẽ tăng từ 3 - 20% theo từng nhóm hàng. Hiện Hà Nội mới tự sản xuất, cung ứng được 30 - 65% nhu cầu nông sản cho người dân Thủ đô, dự báo nguồn cung sẽ khó khăn trong dịp Tết sắp tới.

 

Cụ thể, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu phục vụ 10,3 triệu người dân sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn TP Hà Nội trong 1 tháng gồm gạo 92.970 tấn (khả năng tự cung ứng 56.338 tấn, đáp ứng 65,6% nhu cầu); thịt lợn hơi 18.594 tấn (khả năng tự cung ứng 17.500 tấn, đáp ứng 94,1% nhu cầu); thịt bò 5.350 tấn (khả năng tự cung ứng 1.032 tấn, đáp ứng 19,3% nhu cầu); rau củ 103.300 tấn (khả năng tự cung ứng 67.299 tấn, đáp ứng 65,1% nhu cầu); trái cây 52.000 tấn (khả năng tự cung ứng 15.000 tấn, đáp ứng 28,8% nhu cầu); trứng gia cầm 123,9 triệu quả (khả năng tự cung ứng 117 triệu quả, đáp ứng 94,2% nhu cầu); riêng mặt hàng thịt gia cầm nhu cầu 6.198 tấn, TP Hà Nội tự cung ứng 10.671 tấn...

 

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung, đặc biệt là các tỉnh khu vực phía Bắc dẫn đến sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng. Trong khi đó một số mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, gia cầm, thủy cầm, thủy hải sản hiện nay giá xuống quá thấp, trong khi giá thức ăn, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao nên người dân không mặn mà tái đàn, dự báo nguồn cung các sản phẩm này sẽ khó khăn trong dịp Tết.

 

“Hà Nội mong muốn các tỉnh, thành phối hợp để triển khai kế hoạch kết nối cung cầu nông sản; Giới thiệu các DN, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn để đưa vào các kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội phục vụ Tết Nhâm Dần sắp tới ”- bà Lan nói.

 

Doanh nghiệp vào cuộc dự trữ 39.000 tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết

 

Để đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường Thủ đô, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo, phối hợp với các DN triển khai dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trị giá 39.000 tỷ đồng.

 

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết, các DN bán lẻ đã chủ động dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu từ 2 tháng trước Tết. Các mặt hàng DN tăng cường dự trữ gồm, gạo, thịt bò, thịt lợn, gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi tăng 7 - 15% so với Tết 2021.

 

Bên cạnh đó, các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết gồm nông lâm sản khô (măng, miến, mộc nhĩ…), bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa tươi, may mặc, điện máy cũng được các DN dự trữ...

 

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Vũ Thanh Sơn thông tin, để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết, Hapro đã dự trữ lượng hàng hóa trị giá gần 1.000 tỷ đồng, bao gồm lượng hàng hóa tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP Hà Nội.

 

“Ngoài ra, Hapro cũng đẩy mạnh hoạt động bán hàng online thông qua thương mại điện tử, qua đó hạn chế tập trung đông người mua sắm, góp phần ngăn chặn dịch Covid-19” - ông Sơn thông tin. Còn Tổng Giám đốc Công ty BRG Retail (thuộc Tập đoàn BRG) Nguyễn Thái Dũng cho biết, để chuẩn bị cho dịp Tết Nhâm Dần, DN đã làm việc với các nhà cung cấp về sản lượng tiêu thụ và lên kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết tăng gấp từ 2 - 3 lần so với các tháng trong năm.

 

Phía hệ thống bán lẻ VinMart, VinMart + cũng đã lên kế hoạch tăng từ 40 - 50% lượng hàng hóa cung ứng, tập trung vào các nhóm hàng tươi sống, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu, các mặt hàng thời vụ Tết. Năm nay, hệ thống VinMart còn chú trọng khai thác các đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP các tỉnh, TP trong cả nước để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

 

Thông tin từ hệ thống bán lẻ Co.op Mart cho thấy, nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường trong giai đoạn cao điểm cuối năm, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau Tết, Saigon Co.op (đơn vị quản lý khai thác hệ thống siêu thị Co.op Mart đã thực hiện dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá lên đến gần 6.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước. Trong đó phần lớn ngân sách ưu tiên đầu tư cho dự trữ 9 nhóm hàng bình ổn thị trường, còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.

 

Theo Giám đốc Vùng Hà Nội (Tập đoàn Central Group) Lê Mạnh Phong, lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết Nhâm Dần của hệ thống siêu thị Big C tăng 10 - 15% so với kế hoạch Tết 2021, trong đó tập trung vào nguồn hàng trong nước, đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng truyền thống. Đại diện AEON Việt Nam cho biết hệ thống bán lẻ của DN này đã và đang tích cực phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp để "bung" hàng hóa phục vụ Tết từ sớm, với lượng hàng dự kiến tăng khoảng 15%, đồng thời đảm bảo giá cả bình ổn với nhiều ưu đãi so với Tết 2021.

 

Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước do Bộ Công Thương vừa tổ chức, đại diện Sở Công Thương Hà Nội, thông tin đến nay, đã có 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã TP Hà Nội đăng ký tham gia chương trình với tổng lượng hàng hóa các DN đăng ký thực hiện 18.000 tỷ đồng (kế hoạch 5.600 tỷ đồng); đưa hàng hóa bình ổn tới hơn 20.000 điểm bán (123 siêu thị, 6.800 cửa hàng tiện lợi, 13.000 cửa hàng chuyên kinh doanh, 1.900 điểm bán hàng tại các chợ truyền thống, 500 bếp ăn tập thể).

 

Tuy đã lên kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng các doanh nghiệp thương mại đều có chung đánh giá, dịch Covid-19 khiến người tiêu có xu hướng tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu, chưa kể, nhiều hoạt động tập trung đông người, gặp gỡ, liên hoan sẽ bị hạn chế khi dịch diễn biến phức tạp sẽ khiến sức tiêu thụ sẽ không tăng.

 

Kết nối cung cầu với các tỉnh, thành

 

Để bảo đảm nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã kết nối với các địa phương: Sơn La, Bắc Giang, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Lào Cai, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp… đưa nguồn hàng nông, lâm, thủy sản về Hà Nội tiêu thụ.

 

Tại hội nghị trực tuyến Kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh thành do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) vừa tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa chia sẻ: Bắc Kạn là địa phương có nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản được người tiêu dùng Hà Nội biết đến. Thời điểm này, các HTX, DN của tỉnh đang cấp tập lên đơn hàng trực tuyến nông sản cung ứng cho thị trường Hà Nội trong thời điểm Tết Nguyên đán cận kề.

 

“Hiện Bắc Kạn có 25.000 tấn cam, quýt và 2.000 tấn miến dong cần tiêu thụ, vì vậy tỉnh đang đẩy mạnh việc kết nối tiêu thụ với các tỉnh, thành trên cả nước, trong đó trọng điểm là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh” - bà Hoa thông tin. Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Hùng thông tin, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Lâm Đồng tồn hơn 1 triệu tấn rau củ, 12.000 tấn bơ, 20.000 tấn sầu riêng nên rất mong kết nối tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Hà Nội trong dịp Tết Nhâm Dần.

 

Ở góc độ DN, Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng cho hay, với 6 cửa hàng cung ứng nông sản an toàn tại Hà Nội, công ty đã ký hợp đồng với các cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn TP từ đầu quý III/2021.

 

“Xác định dịp Tết Nguyên đán là thời điểm “vàng” của năm, nên công ty tập trung vào thế mạnh sản phẩm đặc sản vùng miền nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cũng như tăng doanh số bán hàng” - ông Hưng nói. Còn theo Phó Tổng Giám đốc Hapro Đỗ Tuệ Tâm, để có đủ nguồn hàng phục vụ Tết, Hapro đã đẩy mạnh kết nối cung cầu với các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Đồng Tháp… qua đó khai thác, tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đặc sản vùng miền như miến dong, bún khô, mì gạo, mộc nhĩ, nấm hương.

 

Nhằm hỗ trợ các tỉnh, thành tiêu thụ, cung ứng hàng hóa cho TP Hà Nội trong năm 2022 và Tết Nhâm Dần, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 261/KH-UBND tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành trong lĩnh vực công thương năm 2022. Qua đó tạo điều kiện cho các tỉnh, thành đưa nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP, về thị trường Hà Nội tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.

 

Việc ngành công thương TP Hà Nội và DN tăng cường dự trữ hàng hóa, đẩy mạnh kết nối cung cầu với các tỉnh, thành trong cả nước sẽ bảo đảm không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến dịp Tết Nhâm Dần.

 

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan: Đẩy mạnh liên kết vùng, tạo nguồn cung hàng hóa

 

TP Hà Nội đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động liên kết vùng, kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh, TP để tạo nguồn cung hàng hóa ổn định, phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân dịp cuối năm và Tết. Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 449 chợ truyền thống và 1.800 cửa hàng tiện lợi, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa; 141 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, có thể kết nối với 1.130 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 45 tỉnh, TP trên cả nước. Ngoài ra, TP còn có các kênh bán hàng đa phương tiện như bán hàng qua website, hotline, app... với khoảng 35 DN và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng theo hình thức trực tuyến.

 

Về mặt bằng giá, các DN tham gia chương bình ổn trên địa bàn TP đã cam kết giữ giá bán hàng hóa tiêu dùng thiết yếu ổn định trước, trong và sau Tết Nguyên đán qua đó làm giảm nhịp sự tăng giá của thị trường. Ngoài ra, tại những khu vực đông công nhân, các DN sẽ tổ chức bán hàng lưu động qua đó không để xảy ra tình trạng thiếu hàng.

 

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương Lê Việt Nga: Doanh nghiệp triển khai chương trình bình ổn thị trường

 

Dịch Covid-19 khiến thu nhập của nhiều người dân bị giảm sút. Dự báo sức mua dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ không tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, để không xảy ra tình trạng khan hàng tăng giá đột biến trong Tết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, DN triển khai chương trình bình ổn thị trường. Trong đó chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện các nhà bán lẻ, siêu thị đều tăng hàng cung ứng, dự trữ từ 20 - 30% so với ngày thường nên về cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, giá cả cơ bản ổn định.

 

Tuy nhiên, các DN càng phải thận trọng, theo dõi sát các diễn biến của thị trường, có kế hoạch cụ thể để kịp thời “ứng biến” với bài toán cung - cầu, tránh tình trạng giá có biến động đột biến khi nguồn cung gián đoạn. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần liên tục tăng cường kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, giữ trật tự ổn định thị trường Tết.

 

Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bán lẻ BRG Nguyễn Thái Dũng:
Tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa

 

Để chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ Tết Nhâm Dần, các DN đã có kế hoạch phối hợp các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu lên gấp đôi qua đó chủ động nguồn cung dự trữ điều tiết giá hàng hóa. Đồng thời, các đơn vị tăng tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa lên thêm từ 5 - 10 lần so với các tháng trong năm, nhất là nhóm hàng thực phẩm Tết, qua đó để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Việc chuẩn bị sẵn nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng và góp phần bình ổn giá hàng hóa, nhất là các mặt hàng nằm trong chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội sẽ không điều chỉnh tăng quá 5% khi thị trường có biến động.

 

BRG sẵn sàng hợp tác với DN các tỉnh, thành đưa sản phẩm, nhất là đặc sản vùng miền vào hệ thống bán lẻ tiêu thụ. Nhưng để làm được điều này, DN sản xuất cần bảo đảm chất lượng sản phẩm, ổn định nguồn cung, đáp ứng các tiêu chuẩn của DN phân phối. DN sản xuất cần xây dựng quan hệ kết nối lâu dài, ổn định với DN phân phối, qua đó đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như quyền lợi hai bên.

 

Theo Kinhtedothi.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang