Chỉ ít ngày, sau khi các mẫu điện thoại mới nhất của Samsung ra mắt ngày 21/2 vừa qua, thị trường đã ngay lập tức có hàng nhái xuất hiện. Trên nhiều website bán hàng trực tuyến và các cửa hàng kinh doanh điện thoại ở Hà Nội,người ta đã có thể dễ dàng tìm ra những chiếc smartphone nhái Galaxy S10 và S10+ với giá chỉ hơn 2 triệu đồng.
Hàng giả tràn lan
Thời gian gần đây, các website kinh doanh điện thoại giá rẻ ở Hà Nội mọc ra như nấm với đủ tên gọi như: dienthoaichat, phonegiatot, smartphonedailoan, dienthoaidailoan… Ở đây, khách hàng có thể đàng hoàng sở hữu những mẫu mã mới nhất như Glaxy S10+ với giá chỉ từ 2,6 – 2,7 triệu đồng. Những chiếc điện thoại này được cửa hàng gọi tên là “hàng xách tay Đài Loan loại 1” hay “Galaxy S10+ Singapore”, bảo hành từ 6 – 12 tháng.
Trên các sản phẩm nhái đều có in logo Samsung rất rõ ràng nhưng bằng mắt thường vẫn có thể nhận ra sự khác biệt với sản phẩm chính hãng.
Galaxy S10+ nhái có thiết kế bo tròn hơn, viền trên và viền dưới màn hình rất dày. Camera trước cũng không phải là dạng “đục lỗ” như hàng chính hãng, mặt sau có lớp nhựa giả kính. Phía sau máy cũng có cụm 3 camera nhưng thực tế chỉ có 1 camera là hoạt động được, 2 camera còn lại chỉ để “làm cảnh”.
Một số tính năng của Galaxy S10+ cũng được làm nhái theo, ví dụ cảm biến vân tay dưới màn hình. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, người dùng có thể thêm dấu vân tay vào bất kỳ điểm nào trên màn hình mà vẫn có thể mở máy. Thậm chí, người dùng còn có thể lấy dấu vân tay ngón tay trái nhưng vẫn có thể mở máy bằng ngón tay phải…
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng, anh Nguyễn Công, một thợ sửa điện thoại tại Thợ Nhuộm (Hà Nội) cho hay: “Thực ra, cảm biến vân tay trên Galaxy nhái không có tác dụng nhận diện dấu vân tay mà chỉ là dạng cảm ứng bình thường. Khi ngón tay chạm vào màn hình là điện thoại có thể mở, hoàn toàn không có tác dụng bảo mật. Thậm chí cả tính năng quét khuôn mặt, mống mắt của nó cũng chỉ hạn chế ở mức nhận dạng thông qua ảnh 2D ở camera trước”.
Phần cứng của Galaxy S10+ nhái cũng không được như quảng cáo. Thông số kỹ thuật trên máy hiển thị hệ điều hành Android 9.0 Pie, chip 8 nhân, RAM 6 GB, bộ nhớ trong 128 GB. Dù vậy, qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy máy chỉ dùng hệ điều hành Android 7 Nougat đời cũ, chip MediaTek giá rẻ, RAM từ 1-2 GB, bộ nhớ chỉ là 16 GB.
Như vậy, bằng mắt thường, khách hàng hoàn toàn có thể nhận ra được điện thoại nhái, giả. Nhưng vì sao những sản phẩm này vẫn đang được tiêu thụ rất mạnh? Anh Hùng, chủ một cửa hàng kinh doanh điện thoại tại Cầu Giấy (Hà Nội) giải thích: “Đa số khách đến mua đều biết đó là điện thoại nhái, hàng fake nhưng vì tò mò nên vẫn muốn mang về trải nghiệm. Chỉ phải bỏ ra số tiền bằng 1/10 hàng chính hãng mà lại được cầm trên tay một chiếc Galaxy S10+ thời thượng thì ai chẳng thích?”.
Nguy hại khôn lường
Những mẫu điện thoại nhái Galaxy S10, S10+ đều được các đơn vị kinh doanh quảng cáo là “hàng xách tay” từ Đài Loan, Singapore hay Hồng Kông. Trên thực tế, theo tìm hiểu riêng của chúng tôi, đây hoàn toàn là điện thoại Trung Quốc nhập lậu về theo đường tiểu ngạch. Những chiếc điện thoại nhái này không chỉ phá hoại thương hiệu, gây thiệt hại cho nhà sản xuất chính hãng mà còn tiềm tàng nhiều nguy hiểm khôn lường cho chính người sử dụng.
Anh Công, thợ sửa điện thoại (Thợ Nhuộm, Hà Nội) tiết lộ thêm: “Hàng nhái sở dĩ có giá rẻ gấp 10 lần là bởi nó được lắp ráp từ những linh kiện rẻ tiền, không đảm bảo chất lượng, không qua kiểm nghiệm. Nếu không cẩn thận, điện thoại loại này có thể gây cháy nổ rất nguy hiểm”. Không những thế, chất liệu linh kiện không đảm bảo có thể khiến người sử dụng có nguy cơ nhiễm độc kim loại nặng (chì), nhẹ thì dị ứng, nặng hơn có thể gây ung thư da.
Một số năm trở lại đây, các công ty điện thoại Trung Quốc thường tung ra rất nhiều mẫu nhái lại những siêu phẩm của các hãng lớn như Samsung, Apple hay Vertu… Mục đích là đánh vào tâm lý hiếu kỳ, thích dùng hàng hiệu trong khi túi tiền lại có hạn của một bộ phận khách hàng.
Điện thoại nhái, giả đang là vấn nạn hoành hành trong suốt thời gian qua ở Việt Nam. Trong đó, Hà Nội trở thành một trong những thị trường béo bở để gian thương tiêu thụ sản phẩm nhái, kém chất lượng. Điện thoại nhái được tiêu thụ ở rất nhiều nơi, bằng nhiều cách, từ các cửa hàng kinh doanh điện thoại, các website, trang Facebook bán hàng qua mạng đến mua bán trao tay, sang nhượng…
Cơ quan chức năng đã liên tục vào cuộc nhưng tình hình buôn lậu, tiêu thụ điện thoại nhái vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Gần đây nhất, vào tháng 10/2018, lực lượng hải quan đãphát hiện và thu giữ 1.157 chiếc điện thoại nhập lậu ở sân bay Nội Bài (Hà Nội). Số hàng này được đem vào nội địa mà không có đủ chứng từ, hóa đơn khai báo nhập khẩu.
Để tăng cường công tác chống buôn lậu, trong quý II/2019, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã yêu cầu các thành viên và các địa phương bám sát diễn biến thực tế, xác định rõ địa bàn, lĩnh vực, đối tượng và phương thức, thủ đoạn hoạt động.Trước đó, riêng trong tháng 2/2019, lực lượng chức năng đã xử lý 1.373 vụ việc liên quan đến gian lận thương mại, nộp ngân sách 167,3 tỷ đồng.
Tinh Vũ