Cùng dự còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Vãn Bình, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội; cùng đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía bắc;các vị đại sứ, tham tán thương mại và gần 1.000 đại biểu đại diện các tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Hoàng Trung Hải nêu rõ, ba năm qua, Hà Nội đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách hành chính; phát triển chính phủ điện tử. Nhờ đó, cộng đồng doanh nghiệp đã có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có hơn 250 nghìn doanh nghiệp; trong đó có hơn 4.300 dự án đầu tư nước ngoài. Tại hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển năm 2016 và 2017, Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 71 dự án với tổng số vốn 111.288 tỷ đồng. Đến nay, 62 dự án đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, khởi công và xây dựng, hoạt động. Chín dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Sự phát triển của doanh nghiệp đã góp phần quan trọng đưa kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng nhanh, bền vững, năm 2016 tăng 7,15%, năm 2017 tăng 7,31%, sáu tháng đầu năm 2018 ước tăng 7,07%.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của Hà Nội trong thu hút hơn 17 tỷ USD vốn đầu tư những năm qua. Nhờ đó, kinh tế Thủ đô phát triển tương đối toàn diện, tăng trưởng cao. Tuy nhiên, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một đô thị sáng tạo, văn minh, hiện đại, nhưng không mất đi giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thủ tướng mong muốn chính quyền Hà Nội cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa và lưu ý một số vấn đề. Đó là, thành phố cần tìm kiếm động lực tăng trưởng mới với chính sách đột phá, bền vững trong dài hạn. Đặc biệt, cần chú trọng đầu tư tại những khu vực tiềm năng, những quận, huyện mới. Cần quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiệu quả, phù hợp với cơ cấu kinh tế trong tương lai, hài hòa, cân đối giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn. Tránh tình trạng dồn quỹ đất cho dự án tăng trưởng ngắn hạn, lợi ích ngắn hạn, đến khi thực hiện mục tiêu dài hạn thì không còn đất. Hà Nội là thành phố có tiềm năng rất lớn về công nghệ, vì vậy, thành phố cần đi đầu trong cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số ở nước ta. Cần đẩy nhanh triển khai dự án thành phố thông minh thông qua việc kiến tạo môi trường sáng tạo, minh bạch và hiện đại hóa bộ máy quản lý hành chính để tạo bước phát triển đột phá về kinh tế -xã hội; đi đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ công, kỹ thuật, hạ tầng. Để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển, Hà Nội cần có cơ chế tốt, huy động nhân tài, đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô.
Thủ tướng yêu cầu, Hà Nội phải đi đầu trong đổi mới thể chế, môi trường kinh doanh, đặc biệt tập trung vào những hạn chế, yếu kém. Cần lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn, chủ động tháo gỡ khó khăn. Thủ tướng nêu rõ, rất nhiều thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nằm ở cấp quận, huyện, xã, phường. Do đó, cần chú trọng cải cách thủ tục hành chính ở cấp chính quyền này. Riêng công tác giải phóng mặt bằng có liên quan trực tiếp đến người dân, cần phải giải quyết hợp tình, hợp lý và thuyết phục. Thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch cho tốt, quan tâm bảo vệ môi trường sống cho người dân.
Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư 397.335 tỷ đồng. Trong đó có 11 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 130.061 tỷ đồng, 60 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư là 267.274 tỷ đồng. Đồng thời, trao 24 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng vốn khoảng 70 nghìn tỷ đồng tại các tỉnh, thành phố thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng Thủ đô.
Theo báo Nhân dân |