Chủ Nhật, 24/11/2024 11:16:34 GMT+7
Lượt xem: 2715

Tin đăng lúc 10-04-2018

Hà Nội: Chất lượng không khí bị ảnh hưởng bởi nồng độ bụi cao

Chất lượng môi trường không khí của Hà Nội bị ảnh hưởng chủ yếu bởi các nồng độ: PM2.5; PM10 và NO2, trong đó 3 trạm có nồng độ cao vượt mức cho phép.
Hà Nội: Chất lượng không khí bị ảnh hưởng bởi nồng độ bụi cao
Khói bụi gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do hoạt động giao thông. Ảnh Tiền Phong

Ô nhiễm không khí ở Việt Nam, đặc biệt ở khu vực đô thị và các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang là vấn đề môi trường được cộng đồng xã hội rất quan tâm.

 

Theo báo cáo kết quả quan trắc môi trường không khí của Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội cho biết, thành phố đã lắp đặt và đang vận hành ổn định 10 trạm quan trắc không khí, gồm 2 trạm quan trắc cố định và 8 trạm cảm biến do Sở TN&MT là cơ quan quản lý. Các trạm quan trắc nhằm cung cấp số liệu quan trắc chất lượng môi trường không khí, công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí tạo cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý và lập quy hoạch chính sách về bảo vệ môi trường Thủ đô.

 

Về kết quả quan trắc của 10 trạm trong năm vừa qua cho thấy, chất lượng môi trường không khí của Hà Nội bị ảnh hưởng chủ yếu bởi các nồng độ: PM2.5; PM10 và NO2, trong đó 3 trạm có nồng độ cao vượt mức cho phép là Hàng Đậu, Phạm Văn Đồng và Minh Khai.

 

Diễn biến nồng độ các chất ô nhiễm thay đổi theo các khung giờ trong ngày. Nồng độ các chất ô nhiễm nói chung có xu hướng thấp từ tháng 6 tới tháng 10; tăng cao từ tháng 11 đến tháng 1/2018. Nồng độ PM25 và PM10 ven đường giảm trong dịp Tết nguyên đán do các phương tiện tham gia giao thông giảm.

 

Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí được công bố công khai trên cổng thông tin. Do vậy người dân có thể theo dõi diễn biến chất lượng không khí hàng ngày của Thủ đô.

 

Theo các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng Hà Nội cần xem xét, nghiên cứu kỹ việc đầu tư xây dựng hệ thống các trạm quan trắc, cần có sự huy động xã hội hóa trong việc lắp đặt hệ thống các trạm quan trắc. Cùng với đó là nghiên cứu nguồn tài chính, đào tạo nguồn nhân lực cũng như cơ chế vận hành hệ thống phải đảm bảo lâu dài và hiệu quả.

 

Đồng thời đề xuất Hà Nội cần lắp đặt thêm các trạm quan trắc không khí không chỉ ở trong vùng lõi đô thị mà cả khu vực ngoại thành, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, vùng nông thôn, làng nghề…Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề cập tới vấn đề khai thác, xử lý dữ liệu, số liệu sau khi đã thu được, đây là bước quan trọng và rất khó thực hiện, đòi hỏi Hà Nội phải có nghiên cứu, tìm giải pháp cụ thể cho vấn đề này.

 

Phó giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh mạng lưới trạm quan trắc môi trường không khí. Đánh giá, kiểm kê các nguồn phát thải chính; Xây dựng mô hình hoá bản đồ ô nhiễm không khí, xây dựng các kịch bản ô nhiễm môi trường không khí và đề xuất các giải pháp giảm thiểu, hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn Thành phố.

 

Cùng với đó là nâng cao nhận thức, tuyên truyền để người dân hiểu đúng, để mọi người cùng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường trong đó có bảo vệ môi trường không khí. Để giảm tình trạng ô nhiễm không khí, Hà Nội đang tiếp tục thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016-2020 và tiếp tục đầu tư cơ giới hóa xe hút bụi. Thành phố cũng đang siết chặt hoạt động của xe chở bùn, chở đất, phế thải vào ban đêm…

 

Theo Vietq.vn

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang