Dự án Thành phố thông minh có tổng mức đầu tư gần 4,2 tỷ USD với quy mô gần 272 ha, được triển khai tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ - Huyện Đông Anh, Hà Nội.
Tọa lạc ở vị trí vô cùng đắc địa kết nối trực tiếp giữa trung tâm thành phố Hà Nội và sân bay Quốc tế Nội Bài, dự án Thành phố thông minh được đánh giá là một bệ phóng cho việc phát triển kinh tế - xã hội, kết nối giao thương hàng hóa thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, Dự án Thành phố thông minh là kết quả quá trình hợp tác, nhất quán giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản, giữa lãnh đạo thành phố Hà Nội với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trong các cuộc gặp song phương trong thời gian qua, cũng như nỗ lực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư với đối tác Nhật Bản của thành phố Hà Nội.
Với việc triển khai Dự án Thành phố thông minh, thành phố Hà Nội sẽ có điều kiện tiếp nhận các kinh nghiệm trong phát triển đô thị thông minh, bền vững cũng như công nghệ kỹ thuật xây dựng quản lý đô thị hiện đại, ứng dụng các công nghệ mới trong vận hành, quản lý đồng bộ các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội… từ phía các nhà đầu tư. Khu đô thị này cũng phù hợp với chủ trương giãn dân nội đô và phát triển đô thị khu vực Bắc sông Hồng của thành phố Hà Nội.
Được biết, năm 2017, tại Nhật Bản, Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga và Chủ tịch Tập đoàn Sumitomo Kuniharu Nakamura đã trao biên bản hợp tác trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo hai nước. Tháng 6/2018, tại Hội nghị “Hà Nội 2018, hợp tác đầu tư và phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao quyết định đầu tư cho liên doanh BRG (Việt Nam) và Sumitomo (Nhật Bản). Đến tháng 7/2018, Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận Đăng ký đầu tư cho liên doanh giữa hai tập đoàn BRG và Sumitomo.
Bà Nguyễn Thị Nga cho biết, Dự án được chia thành 5 giai đoạn và dự kiến hoàn thành vào năm 2028. “Thành phố Thông minh chính là thành phố của các thế hệ tương lai. Việc ngày hôm nay, chúng ta cùng xây dựng thành phổ thông minh không phải là dành cho thế hệ chúng ta mà quan trọng hơn chính là xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nhiều thế hệ người Việt sau này. Tại đây, năng lực của người Việt sẽ thực sự được kích hoạt và phát huy một cách tối đa; từ đó tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng” – bà Nga chia sẻ.
Thành phố thông minh Bắc Hà Nội hướng tới tính cộng đồng cao, đảm bảo đầy đủ tiện ích từ trường học, chăm sóc y tế, hệ thống an ninh, phòng chống thiên tai, khu thương mại cũng như các khu vực công viên cây xanh, mặt nước, hàng cây sakura; nhằm mang đến cho người dân một cuộc sống tiện nghi trọn vẹn.
Dự kiến, dự án sẽ lắp đặt hệ thống giám sát và cảnh báo thông minh đa chức năng nhằm giám sát chất lượng không khí, nước, thời tiết, nguy cơ thảm họa cũng như an ninh trong thành phố, đảm bảo an toàn tối đa cho cư dân.
Song song với thiết kế thành phố thông minh, dự kiến liên doanh BRG - Sumitomo cũng sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết về ứng dụng các công nghệ thông minh. Thành phổ dự kiến sẽ ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại vào trong cuộc sống như công nghệ 5G, nhận diện khuôn mặt và công nghệ blockchain, góp phần cải thiện các dịch vụ của thành phố Hà Nội.
Việc liên doanh BRG – Sumitomo chính thức động thổ và công bố dự án Thành phố thông minh được đánh giá như một dấu ấn đậm nét minh chứng cho tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản cũng như quá trình phát triển không ngừng nghỉ của Thủ đô Hà Nội trong nhiều năm qua. Đồng thời, điều này cũng thể hiện sự quyết tâm sớm đưa Hà Nội có thể sánh ngang với các thành phố hiện đại bậc nhất thế giới.
Theo Báo Công Thương