Không để tăng giá dịch vụ, nguồn nguyên liệu
Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan, trong tháng 2 và đầu tháng 3/2022, ngành công thương đang nỗ lực cùng các lực lượng chức năng để cân đối cung cầu, bình ổn xăng dầu trên địa bàn Hà Nội. Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội không thiếu xăng dầu, các cửa hàng đóng cửa, găm hàng đều được các lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, nhắc nhở.
Tuy nhiên, theo bà Phương Lan, nguồn cung xăng dầu trên địa bàn tại một số đơn vị đầu mối và một số tư nhân phân phối có khặp khó khăn. Vì vậy, Sở đang điều tiết để bảo đảm nguồn cung xăng dầu.
Do xăng dầu tác động lớn đến giá cả hàng hoá, Sở Công Thương đề nghị các sở liên quan (Xây dựng, Giao thông vận tải…) cùng phối hợp để có các giải pháp hữu hiệu nhằm kiềm chế lạm phát, không để tăng giá dịch vụ hay nguồn nguyên liệu đầu vào bất hợp lý, hạn chế trục lợi của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng tập trung kết nối cung cầu, bảo đảm sản xuất; phối hợp với Sở NN&PTNT để tập trung nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, giảm nguồn cung hàng hoá từ các tỉnh để giảm chi phí kho bãi, giữ bình ổn giá tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa phục hồi mạnh
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Duy Tuấn, xuất nhập khẩu hàng hóa của Hà Nội 2 tháng đầu năm phục hồi mạnh, tháng 2/2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.318 triệu USD, giảm 2,6% so với tháng 1 và tăng 53% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ tăng 10,7%).
Có 10/12 nhóm hàng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ, trong đó, một số nhóm tăng mạnh: Hàng may, dệt tăng 112,1%, Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện tăng 149,2%, Gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 120%... Lũy kế 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2.670 triệu USD, tăng 30,9% (cùng kỳ tăng 12,7%).
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2 đạt 2.903 triệu USD, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm 2021. Hầu hết các nhóm hàng có giá trị nhập khẩu tăng so với cùng kỳ, một số nhóm tăng mạnh: Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 148%, sản phẩm hóa chất tăng 161,8%, máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện tăng 105,5%... Lũy kế 2 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 5,9 tỷ USD, tăng 23% (cùng kỳ tăng 25,7%).
Kết quả thu hút FDI tháng 2 đạt 3,4 triệu USD với8 dự án mới (số vốn 1,2 triệu USD); 10 dự án tăng vốn (số vốn 2,2 triệu USD) và 15 lượt góp vốn mua cổ phần (số vốn 1,2 triệu USD). Lũy kế thu hút FDI tính đến ngày 28/2 đạt hơn 470 triệu USD.
Trong 2 tháng đầu năm, Hà Nội có trên 3.600 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 62.200 tỷ đồng. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 3.742 doanh nghiệp.
Trong tháng 3/2022, Hà Nội tập trung triển khai các giải pháp kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Triển khai việc giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ; huy động các nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Thúc đẩy các hoạt động sản xuất công nghiệp; bảo đảm cung cầu hàng hóa trên thị trường, không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung…
Đẩy mạnh kiểm tra công vụ
Qua gần 10 cuộc kiểm tra công vụ trong 2 tháng đầu năm, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết việc thường xuyên, liên tục kiểm tra công vụ góp phần nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Thủ đô; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, đem lại sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với bộ máy chính quyền Thành phố.
"Thời gian qua, không còn ý kiến phản ánh của người dân và doanh nghiệp về thái độ nhũng nhiễu, phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô trong thực thi công vụ", bà Thu Hà cho biết.
Các đơn vị cũng thực hiện nghiêm việc đánh giá, chấm điểm, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng hằng tháng.
Năm 2022, để tiếp tục cải thiện các chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số đo lường sự hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Thành phố tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo chỉ đạo của Chính phủ và kế hoạch của UBND Thành phố.
Trong đó, theo dõi, đôn đốc, đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa các TTHC; xây dựng, công bố, công khai các quy chế/quy trình liên thông thủ tục hành chính, trọng tâm là các lĩnh vực: Tài nguyên - môi trường, xây dựng - đô thị, tư pháp, kế hoạch và đầu tư. Thực hiện nghiêm quy định về định kỳ tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính; theo dõi, kiểm soát có hiệu quả các nội dung, kênh thông tin liên quan đến kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp về TTHC.
Sở Nội vụ sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ và hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền; đổi mới hình thức lấy ý kiến, đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin. Triển khai các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao sự hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính lĩnh vực tài nguyên và môi trường, kế hoạch và đầu tư.
Thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đang được các cơ quan, đơn vị quản lý, lưu trữ bằng văn bản giấy theo quy định; quy trình số hóa trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; rà soát, lập danh mục và xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ (ngoài thủ tục hành chính) tại các cơ quan, đơn vị.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, tự kiểm tra việc thực hiện các Kế hoạch, giải pháp nhằm cải thiện các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI của Thành phố và đơn vị; chú trọng kiểm tra đột xuất, tái kiểm tra việc khắc phục tồn tại được chỉ ra từ đợt kiểm tra trước đây. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành; xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật và trách nhiệm thực thi công vụ, gây khó khăn, phiền hà cho cá nhân, tổ chức.
Theo báo Chính phủ