Chủ Nhật, 24/11/2024 19:55:31 GMT+7
Lượt xem: 1098

Tin đăng lúc 01-07-2020

Hà Nội nỗ lực phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

229 dự án với tổng vốn đầu tư 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) được trao giấy chứng nhận đầu tư; 38 biên bản ghi nhớ hợp tác với tổng mức đầu tư dự kiến 28,6 tỷ USD được lãnh đạo thành phố ký với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài là kết quả mà Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển" đạt được.
Hà Nội nỗ lực phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Vận hành dây chuyền sản xuất tại Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử Vsmart tại khu công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội). Ảnh: ÐĂNG ANH

Ðây là một trong những giải pháp TP Hà Nội thực hiện trong thời gian qua nhằm phục hồi và phát triển kinh tế sau giãn cách xã hội, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước và hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2020 đạt 285 nghìn tỷ đồng.

 

Ðón làn sóng đầu tư mới

 

Sau khi triển khai và đưa vào hoạt động hai trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội là Aeon Mall Long Biên và Aeon Mall Hà Ðông, tại Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển" tổ chức ngày 27-6, Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam tiếp tục được thành phố trao Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án xây dựng bãi đỗ xe và Trung tâm thương mại Aeon Mall Giáp Bát (quận Hoàng Mai). Với quy mô 6,1 ha, vốn đầu tư hơn 280,7 triệu USD, đây là dự án có tổng vốn đầu tư lớn nhất trong các dự án mà đơn vị này triển khai tại Việt Nam. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam N.Tét-xu-i-u-ki đánh giá, với số dân hơn 10 triệu người, kinh tế tăng trưởng nhanh, Hà Nội là thị trường đầy tiềm năng và có nhiều cơ hội phát triển. Ngoài dự án tại Giáp Bát, doanh nghiệp này cũng đang nghiên cứu để triển khai thêm các dự án trung tâm thương mại khác trên địa bàn Hà Nội.

 

Cũng với mong muốn mở rộng đầu tư ở Hà Nội, Công ty TNHH Bệnh viện Việt - Pháp Hà Nội đã nhận được giấy phép điều chỉnh dự án, nâng tổng vốn đầu tư lên hơn 50 triệu USD. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bệnh viện Việt - Pháp Hà Nội Võ Văn Bản cho biết, trong quá trình thực hiện dự án, đơn vị luôn nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các sở, ban, ngành của thành phố, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và kịp thời nắm bắt cơ hội kinh doanh. Do đó, công ty tiếp tục đầu tư, mở rộng 170 giường bệnh, dự án dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2021, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

 

Tại Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển", lãnh đạo thành phố đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án với tổng số vốn đăng ký lên tới 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD). Trong đó có 100 dự án trong nước, với số vốn 227.499 tỷ đồng; 22 dự án đầu tư vốn FDI, số vốn 5,7 tỷ USD và 107 dự án đầu tư công. Trong đó có các dự án lớn như dự án xây dựng nhà ở thấp tầng thuộc khu chức năng đô thị Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) với số vốn 259 tỷ đồng; dự án mở rộng Nhà máy sản xuất nhựa Việt Nhật (huyện Thanh Oai) có số vốn 720 tỷ đồng; dự án xây dựng khách sạn Amiana Hotel Thành Công tại quận Ba Ðình, tổng mức đầu tư 388 tỷ đồng… Số dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư ở hội nghị lần này tăng gấp năm lần so với số dự án tại hội nghị năm 2016, số vốn tăng 11 lần. Cũng tại hội nghị này, lãnh đạo thành phố cùng các nhà đầu tư đã ký 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD, trong đó có 26 đề xuất của nhà đầu tư trong nước (mức đầu tư dự kiến 20,5 tỷ USD); 12 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài (mức đầu tư dự kiến 8,32 tỷ USD). Ðây là những con số ấn tượng trong bối cảnh dịch Covid-19, thể hiện nỗ lực của thành phố trong việc huy động các nguồn lực nhằm nhanh chóng phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá, Hà Nội là một trong số ít những thủ đô đầu tiên trên thế giới khống chế được dịch Covid-19 và bước vào giai đoạn khởi động lại nền kinh tế. Với lợi thế này, thành phố đang ở tuyến đầu trong việc đón làn sóng đầu tư mới, hiện đang dịch chuyển mạnh mẽ do tác động của đại dịch. Lãnh đạo thành phố cam kết sẽ phấn đấu thực hiện 100% số dự án được trao chứng nhận đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án liên kết với các tỉnh, thành phố; các dự án giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc như chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng, giảm ùn tắc giao thông, xử lý ô nhiễm môi trường...

 

Với mục tiêu, xây dựng và phát triển Hà Nội sớm trở thành đô thị hiện đại, xứng tầm là một trong những trung tâm lớn của khu vực, từ năm 2016 đến nay, thành phố xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ để huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, giảm nguồn chi ngân sách. Ðể cải thiện môi trường đầu tư, thành phố nỗ lực cải cách hành chính, đưa Hà Nội trở thành địa chỉ đầu tư tin cậy, hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn thành phố đạt 1,74 triệu tỷ đồng, gấp 1,65 lần giai đoạn 2011-2015, bằng 43,9% GRDP. Thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách đạt hơn 2.200 dự án, với số vốn đăng ký hơn 1,1 triệu tỷ đồng. Cơ cấu đầu tư xã hội dịch chuyển rõ nét từ khu vực nhà nước sang khu vực ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài. Thu hút FDI giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến đạt 25 tỷ USD, gấp 3,9 lần giai đoạn 2011 - 2015. Khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhanh, tiếp tục phát huy vai trò là một động lực quan trọng. 5 năm qua có khoảng 130 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, gấp 1,6 lần giai đoạn 2011 - 2015, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên gần 290 nghìn doanh nghiệp. Nguồn lực đầu tư dồi dào đã tác động tích cực đến đời sống người dân Thủ đô cả về vật chất và tinh thần, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Ðến nay, thành phố có khoảng 11 nghìn doanh nghiệp công nghệ thông tin, tổng doanh thu hằng năm 10 tỷ USD, giá trị xuất khẩu chiếm hơn 20% kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn. Công nghiệp công nghệ cao dần phát triển ở các lĩnh vực: Ðiều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học... Nhiều khu đô thị mới được xây dựng, làm thay đổi diện mạo đô thị và cải thiện đời sống người dân. Ðến hết năm 2019, diện tích nhà ở bình quân đạt 27,09 m2/người, dự kiến đến năm 2020 đạt 27,25 m2/người, 100% số hộ dân ở khu vực đô thị và 75% số hộ dân ở khu vực nông thôn đã được cung cấp nước sạch (năm 2015 đạt 37%) vượt chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

 

Phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế cao

 

Dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến kinh tế cả nước nói chung, kinh tế Hà Nội nói riêng. Ðể hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2015-2020, phấn đấu tăng trưởng kinh tế với mức cao hơn 1,3 lần so với mức tăng trưởng chung cả nước, giữ vững vị thế là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước, Hà Nội đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp vào cuộc quyết liệt vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế. Từ tháng 2, Ban Cán sự đảng UBND thành phố thành lập tổ công tác cập nhật thường xuyên tình hình, xây dựng ba kịch bản phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm ưu tiên cho y tế, an sinh xã hội, giáo dục, an ninh, quốc phòng, phòng, chống thiên tai, xây dựng đồng bộ các biện pháp phát triển kinh tế. Thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp rà soát đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, với yêu cầu không điều chỉnh kế hoạch, phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020. Lãnh đạo thành phố đã gặp gỡ 100 doanh nghiệp đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe kiến nghị và giải quyết khó khăn. Thành phố thực hiện đồng bộ các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội trên tinh thần quyết liệt như phòng, chống dịch bệnh; nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó trọng tâm là hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu và thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục không cần thiết; phấn đấu đến ngày 30-6, 100% số dịch vụ công đạt mức độ 3, mức độ 4, trong đó 25% số dịch vụ công đạt mức độ 4, đồng thời bảo đảm kết nối 250 dịch vụ với Cổng dịch vụ công quốc gia ngay trong tháng 6-2020…

 

Song song với công tác phòng, chống dịch, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Hà Nội quan tâm công tác bảo đảm an sinh xã hội. Thành phố nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, giúp những đối tượng khó khăn từng bước ổn định cuộc sống. Việc chi trả hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, người có công, người tàn tật, người già,… đã được thực hiện xong từ ngày 2-5 với kinh phí 474,2 tỷ đồng. Hiện chính quyền các cấp đang tiếp tục triển khai hỗ trợ giai đoạn 2 cho người lao động tự do gặp khó khăn với kinh phí 495,6 tỷ đồng. Hội đồng nhân dân thành phố đã kịp thời ban hành năm nghị quyết hỗ trợ gần 500 tỷ đồng cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn. Thành phố đã ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội 1.020 tỷ đồng để cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vay với mức lãi suất 0%, để phát triển sản xuất, khắc phục khó khăn do tác động của đại dịch. Khẩn trương rà soát, giãn, hoãn hơn 17.500 tỷ đồng tiền thuế cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

 

Ðồng thời, để nhanh chóng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau giãn cách xã hội, ngay từ đầu tháng 5, thành phố giao các ngành chức năng triển khai nhiều chương trình kích cầu trong nước, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước, đẩy mạnh hỗ trợ xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: Hội nghị kết nối cung - cầu, các tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội, Tuần hàng Việt, Phiên chợ Việt; tổ chức chương trình khuyến mại tập trung vào các tháng 6, 7 và 11, các lễ hội văn hóa, kích cầu du lịch… Nhờ sự chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự bắt nhịp nhanh chóng của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Thủ đô đã dần khôi phục. Sáu tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố vẫn đạt 3,39%. Có 12.650 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 175 nghìn tỷ đồng, tăng 9% số vốn so với cùng kỳ năm 2019, thu hút đầu tư nước ngoài đạt bốn tỷ USD, thu ngân sách sáu tháng ước đạt 50% dự toán.

 

Mặc dù môi trường đầu tư của Hà Nội đã được cải thiện trong thời gian qua, nhưng như đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển", thì vẫn chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư lớn; cải cách hành chính, tổ chức bộ máy công quyền còn bộc lộ nhiều hạn chế, công tác phối hợp thực thi công vụ chưa hiệu quả… Ðiều này thể hiện rất rõ qua việc phân tích các chỉ số thành phần của PCI Hà Nội năm 2019, như chỉ số "Môi trường cạnh tranh bình đẳng" đã cải thiện cả về điểm số và thứ hạng (tăng sáu bậc), nhưng vẫn nằm trong nhóm xếp hạng thấp (xếp thứ 56 trên 63). Ðáng chú ý, kết quả điều tra nhóm 25 chỉ tiêu liên quan đánh giá cán bộ, công chức của thành phố cho thấy, vẫn còn chín chỉ tiêu xếp hạng thấp. Thí dụ như chỉ tiêu "Cán bộ công chức thân thiện" xếp thứ 58 trên 63; chỉ tiêu "Cán bộ, công chức giải quyết công việc hiệu quả" xếp thứ 57; chỉ tiêu "Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp là phổ biến" xếp thứ 59…

 

Từ nay đến cuối năm 2020, thành phố cần có giải pháp khắc phục ngay những yếu kém này, chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu. Về định hướng đầu tư, từ nay đến năm 2025, thành phố huy động các nguồn lực để phát triển không gian kinh tế tại khu vực Hà Nội mở rộng, trước mắt sẽ tập trung hoàn thành ba khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sóc Sơn, Phú Xuyên, đầu tư mới các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch và lấp đầy 50% số khu mới xây dựng. Cùng với đó, thành phố tập trung phát triển theo chiều sâu, hiện đại hóa các ngành kinh tế với mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng của nền kinh tế. Từ đó, phát huy ngày càng tốt hơn vị thế của một đầu tàu kinh tế của đất nước, tạo động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng.

 

Với kết quả tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm 2020 và các giải pháp trong thời gian tới, Hà Nội chắc chắn sẽ thực hiện được mục tiêu đã báo cáo với Chính phủ là tăng trưởng GRDP đạt từ 6 đến 6,5%, cao hơn 1,3 lần so với mức tăng trưởng chung của cả nước. Kết quả này minh chứng cho nỗ lực, tinh thần chủ động đón bắt thời cơ, thực hiện thành công "nhiệm vụ kép" của Thủ đô, thể hiện trách nhiệm của một đầu tàu kinh tế trong việc cùng các địa phương trong nước đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19.

 

Theo Báo Nhân Dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang