Đánh giá từ Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, hoạt động quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh buôn bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn Thành phố hiện còn nhiều yếu kém, phần lớn động vật đưa vào giết mổ chưa kiểm soát được tận gốc.
Trong khi đó, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, với sản lượng hiện có, sản xuất nông nghiệp Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu, rất cần nguồn cung cấp nông sản an toàn, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, minh bạch thông tin và truy xuất rõ nguồn gốc từ các tỉnh, thành phố về phục vụ người tiêu dùng Thủ đô và du khách.
Ông Đỗ Phú Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho hay, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 1000 chợ dân sinh, trong đó hầu hết các chợ đều có kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, việc kiểm soát thú y, nguồn gốc ở các chợ cóc, chợ tạm, chợ nhỏ lẻ là vô cùng khó.
“Ý thức chấp hành quy định pháp luật về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y của người kinh doanh, buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm rất thấp. Một số khác vì lợi nhuận trước mắt đã sử dụng sản phẩm kém phẩm chất, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y và ATTP”, ông Đỗ Phú Sơn nhìn nhận.
Có tình trạng này, theo ông Sơn một phần là do trách nhiệm về công tác tổ chức, quản lý, tuyên truyền về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ của Ban quản lý các chợ, chính quyền địa phương chưa quan tâm, thiếu kiểm tra đôn đốc xử lý.
Theo ý kiến của chuyên gia, để có 80% lượng thịt gia súc, gia cầm lưu thông trên thị trường Hà Nội bảo đảm ATTP vào năm 2020 thì phải dẹp bỏ được tình trạng giết mổ nhỏ lẻ hiện nay, trong đó là gần 2.500 điểm điểm trên địa bàn Thành phố.
“Những năm qua, Thành phố đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này nhưng vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Nếu cứ tiếp tục như hiện nay thì tôi e rằng, rất khó để thu hút tư nhân tham gia”, ông Đào Văn Học, cơ sở giết mổ tại thị trấn Xuân Mai nhận định.
Ông Tại Văn Tường, trong thời gian thực hiện chương trình liên kết chuỗi rau thịt an toàn vừa qua tại Hà Nội cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thành phố Hà Nội đã xây dựng và duy trì được 65 chuỗi liên kết ATTP từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó các chuỗi có nguồn gốc động vật đã thu hút gần 3.000 hộ chăn nuôi, khoảng 100 doanh nghiệp/cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn, cung cấp thuốc thú y, cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tham gia hợp tác xây dựng chuỗi.
Theo tính toán, cứ mỗi ngày, nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm của Hà Nội rơi vào khoảng hơn 870 tấn và trong nhiều năm nay, Thành phố đã xây dựng kế hoạch tiến tới giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp nhưng chưa thành công. Hiện tại, người dân Hà Nội đang rất trông đợi vào đề án sản xuất và tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2015-2020. Mục tiêu, đến năm 2020, phấn đấu 80% sản lượng thịt gia súc, gia cầm lưu thông trên thị trường Thành phố bảo đảm ATTP. Đặc biệt, kiểm soát được ATTP trong toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh thực phẩm theo nguyên tắc “từ trang trại tới bàn ăn”, truy xuất được nguồn gốc và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về ATTP. |
Nguồn VietQ