Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 22-2 đến 7-3, Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) ghi nhận 11 bệnh nhân nam tuổi từ 40-54 bị ngộ độc rượu, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Các bệnh nhân cư trú tại 5 quận, huyện của Hà Nội là Đống Đa, Hoàng Mai, Phúc Thọ, Ba Đình và Thanh Xuân. Các bệnh nhân đều có triệu chứng hôn mê, nhìn mờ, đau đầu..., xét nghiệm hàm lượng methanol trong máu cao từ 40 đến 318 mg/dl.
Ngay sau sự việc trên, Chi Cục ATVSTP Hà Nội đã thành lập 4 đoàn kiểm tra tình hình kinh doanh rượu trên địa bàn. Ngoài ra, các quận/huyện cũng tổ chức tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh rượu. Tính đến ngày 7-3, các đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra 225 cơ sở, trong đó tiến hành xử phạt 18 cơ sở vi phạm với số tiền gần 70 triệu đồng và tiến hành niêm phong gần 2.000 lít rượu không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, qua kết quả xét nghiệm, lực lượng chức năng phát hiện 2/10 mẫu rượu tại Mỗ Lao (Hà Đông) và Khương Đình (Thanh Xuân) có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép từ gần 900 đến hơn 2.000 lần.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long cho biết, để xử phạt "đúng người đúng tội", cảnh sát điều tra phải vào cuộc truy xem nguồn gốc rượu gây ngộ độc từ đâu. Ngoài ra, UBND xã/phường cần tăng cường tuyên truyền về tác hại của rượu không rõ nguồn gốc. Sở Y tế nên cân nhắc việc cấm các cơ sở kinh doanh ăn uống nhỏ lẻ bán rượu trắng không rõ nguồn gốc, sau đó kiểm tra việc thực hiện. Cùng với việc tuyên truyền tác hại và hậu quả của rượu không rõ nguồn gốc, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền để người kinh doanh hiểu được rằng, nếu bán rượu gây ngộ độc dẫn đến tử vong sẽ bị xử lý hình sự.
Nguồn Hanoimoi.com.vn