Vụ việc 3 nhân viên của cây xăng 199 Minh Khai, Hà Nội móc nối với nhau bán thiếu xăng nhằm ăn chặn tiền của khách hàng bị phát hiện vào tháng 4 vừa qua là một ví dụ.
"Cứ đổ xăng từ 50.000 đồng trở lên là khách hàng có thể bị ăn gian tới 13.000 đồng. Thậm chí cô bé học sinh chỉ đổ 20.000 đồng thì cũng bị ăn chặn một nửa". đó là tình trạng thường xuyên diễn ra tại cây xăng này. Những đối tượng này thừa nhận nhiều lần vi phạm bán thiếu hàng cho khách với tổng trị giá thu lợi bất hợp pháp là 170.000 đồng. Các chiêu thức tinh vi được nhân viên cây xăng sử dụng để qua mặt người tiêu dùng như đẩy khách đứng xa để không thấy rõ số tiền, chặn đầu xe hay nhanh tay gạt về 0 để khách không kịp nhìn.
Bên cạnh đó, thời gian qua, để kiểm soát được chất lượng xăng dầu, lực lượng QLTT Hà Nội cũng gặp nhiều khó khăn, như các đối tượng có ý gian lận về xăng dầu rất dễ dàng mua được các chất dung môi, phụ gia, dùng để pha chế xăng dầu kém chất lượng. Trong quá trình kiểm tra lấy mẫu, có xác định lượng hàng tồn nhưng lực lượng chức năng không thể tạm giữ bởi quá trình bán hàng của doanh nghiệp là liên tục nên khi có kết quả sai phạm thì lượng xăng vi phạm đã bán hết, rất khó khăn xử lý tang vật.
Thủ đoạn vi phạm của các đối tượng là pha trộn hỗn hợp gồm xăng A92 với chất dung môi bột tạo màu. Xăng, dầu kém chất lượng khi sử dụng sẽ ảnh hưởng đến động cơ, môi trường. Ngoài ra, lợi dụng việc thực hiện Đề án tiêu thụ xăng E5, một số đối tượng đã thực hiện việc pha trộn xăng sinh học E5 RON 92 vào xăng không chì RON 95 với một tỷ lệ nhất định bán ra thị trường để hưởng chênh lệch giá.
Theo Cục QLTT Hà Nội, qua thanh kiểm tra các địa điểm kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cho thấy các phương thức, thủ đoạn buôn lậu xăng dầu ngày càng tinh vi, các đối tượng móc nối chặt chẽ với nhau tạo thành đường dây khép kín. Do vậy, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, bao gồm Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Công an kinh tế, Thuế, Cục Quản lý thị trường, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng…
Mặt khác, dù đã có quy định thương nhân kinh doanh cửa hàng phải ghi chép chứng từ, số lượng và chất lượng xăng dầu, nhưng trên thực tế chỉ kiểm soát được đầu vào. Người dân mua xăng dầu tại các cửa hàng không lấy hóa đơn khiến cho cơ quan chức năng không thể kiểm soát được lượng xăng dầu bán ra. Do đó, các hệ thống có thể nhập nhèm đưa xăng lậu, xăng kém chất lượng vào tiêu thụ.
Trước thực trạng đó, thực hiện sự chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng QLTT tại Hà Nội nói riêng và đội QLTT tại các tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra việc chấp hành các quy định trong kinh doanh xăng dầu. Theo đó, đối tượng kiểm tra là các đơn vị xuất, nhập khẩu xăng dầu, tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu, các hộ kinh doanh xăng dầu tự phát; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép theo quy định; đồng thời giám sát chặt chẽ các cửa hàng xăng dầu đã bị thu hồi giấy phép.
Tổng cục Quản lý thị trường cũng lưu ý việc phối hợp với các phương tiện truyền thông tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng không mua xăng dầu tại các điểm kinh doanh trái phép. Mặt khác, tuyên truyền các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; công bố công khai các cửa hàng xăng dầu vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật để người tiêu dùng biết, giám sát, tự bảo vệ, góp phần cùng các cơ quan chức năng chống các hành vi kinh doanh gian lận trong các mặt hàng xăng dầu.
Trường Phạm