Xử phạt hơn 4,4 tỷ đồng
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2018, công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm về an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên, liên tục từ cấp xã, phường đến thành phố với việc thành lập tổng số 718 đoàn thanh tra, kiểm tra. Tuyến quận, huyện; xã, phường, thị trấn đã tiến hành kiểm tra hơn 32.000 cơ sở và tuyến thành phố kiểm tra gần 300 cơ sở. Qua đó, xử phạt vi phạm hành chính gần 1.600 cơ sở với số tiền hơn 4,4 tỷ đồng và tiêu hủy sản phẩm vi phạm của 213 cơ sở.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, sự vào cuộc của các cấp, ngành, nhất là ở tuyến cơ sở trong công tác quản lý an toàn thực phẩm ngày càng tích cực. Các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, huyện; xã, phường, thị trấn đã trực tiếp đi kiểm tra công tác an toàn thực phẩm.
Song song với đó, thành phố đã phát huy hiệu quả của 5 xe kiểm nghiệm nhanh chuyên dụng về an toàn thực phẩm. Đây là công cụ đắc lực của các đoàn thanh tra, kiểm tra. Sự xuất hiện của xe kiểm nghiệm thực phẩm đã khiến các hộ kinh doanh phải… dè chừng.
Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, thành phố đã kiện toàn 4 đội cơ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, chủ động giám sát an toàn thực phẩm phục vụ các hội nghị, sự kiện lớn của trung ương và thành phố. Giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố cũng như dịch vụ ăn uống tại các lễ hội, điểm vui chơi trên địa bàn thành phố. Do đó, từ đầu năm đến nay, Hà Nội không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm lớn nào xảy ra trên địa bàn.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Chung cũng thừa nhận, công tác quản lý an toàn thực phẩm vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Vì lợi nhuận trước mắt, một bộ phận người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa tự giác chấp hành quy định về an toàn thực phẩm và thiếu trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng. Trong khi đó, người tiêu dùng đôi khi còn dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, không quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ.
Thêm vào đó, số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, tạm bợ thường xuyên biến động… Sự vào cuộc của một số chính quyền địa phương chưa quyết liệt; trong kiểm tra và xử phạt vẫn chủ yếu là nhắc nhở.
Cần sự phối hợp của “ba bên”
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo an toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, thời gian tới, các sở, ngành chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn đưa ra những cách làm sáng tạo hơn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Các đoàn thanh tra, kiểm tra trên toàn thành phố tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các chợ đầu mối, siêu thị và nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, truy tận gốc thực phẩm “bẩn” với việc nâng cao năng lực của hệ thống kiểm nghiệm, trong đó có sự hỗ trợ của các xe kiểm nghiệm lưu động. Các kỹ thuật viên, lái xe kiểm nghiệm sẽ được bố trí luân phiên để có thể lên đường bất kỳ lúc nào.
Bên cạnh đó, đội ngũ các kỹ thuật viên thường xuyên được đào tạo nâng cao tay nghề, bảo đảm độ chính xác và nhanh trong khi kiểm nghiệm. Những kết quả xét nghiệm nhanh, với độ chính xác cao sẽ giúp các đoàn thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm.
Theo ông Trần Văn Chung, trong 6 tháng cuối năm 2018, công tác truyền thông về an toàn thực phẩm tiếp tục được tăng cường; các cơ quan chức năng sẽ thông tin nhanh về kết quả thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm để người tiêu dùng biết. Duy trì các mô hình, đề án bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Đồng thời, duy trì mô hình cảnh báo nhanh ngộ độc thực phẩm tại quận Bắc Từ Liêm; mô hình điểm cải thiện an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống tại 198 phường, thị trấn; mô hình an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại 30 tuyến phố văn minh. Tiếp tục triển khai thí điểm kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung, đông người và chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại huyện Phú Xuyên, Thanh Oai.
Với những quyết tâm, đổi mới trong kiểm soát quản lý an toàn thực phẩm, hy vọng Hà Nội tiếp tục có bước đột phá trong lĩnh vực này. Song, để quản lý chặt chẽ công tác an toàn thực phẩm, rất cần sự vào cuộc của “ba bên”, đó là cơ quan chức năng, người kinh doanh và cả ý thức của người tiêu dùng. Người tiêu dùng phải biết “nói không” với thực phẩm không an toàn. Tốt nhất chỉ mua các sản phẩm đã được các cơ quan chức năng kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện.
Mặt khác, người tiêu dùng cần thực hiện trách nhiệm của mình, kịp thời cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, khai báo ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm theo quy định.
Theo báo Hà Nội mới