Đây là thông tin từ Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. Theo đó, với 300.000 giếng khoan ở khu vực nông thôn, thành phố sẽ đề xuất cơ chế hỗ trợ người dân đóng lại các giếng này, không để thẩm thấu ô nhiễm tới mạch nước ngầm; xây dựng đơn giá cấp nước cho người dân; trợ giá cho người dân nông thôn; lắp trạm cấp nước ở vùng sâu, vùng xa...
Cụ thể, nghị quyết 05/2016 của HĐND thành phố Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2020, 100% người dân ở Hà Nội được sử dụng nước sạch.
Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện, tỉ lệ người dân được dùng nước sạch ở thủ đô mới đạt 65%.
Đáng chú ý là một số địa phương nằm trong vùng trũng của Hà Nội thường xuyên bị ngập lụt lại thiếu nước sạch, như Chương Mỹ mới có 18% người dân sử dụng nước sạch, Mỹ Đức 10%, Phú Xuyên 12%...
Các dự án cấp nước sạch ở Hà Nội còn nhiều bất cập. Có dự án xây dựng xong bỏ không vì không có nước nguồn, nơi có nước nguồn lại không có dự án, có nơi nhà máy xây xong, nước sạch dồi dào nhưng người dân... không dùng.
Hàng loạt dự án phát triển mạng, nguồn cấp nước chậm tiến độ. 160/420 xã, thị trấn ở khu vực nông thôn Hà Nôị không có mạng cấp nước.
Trong khi đó, ở khu vực đô thị, người dân vẫn thiếu nước do hệ thống cấp nước sạch gặp sự cố hoặc không đủ cấp nước trong mùa cao điểm.
Về việc tại sao nước sạch đến nơi rồi mà có chỗ người dân chưa dùng, Chủ tịch UBND thành phố lý giải nguyên nhân là thói quyen người dân là chỉ dùng nước sạch để ăn uống, còn lại dùng nước ngầm trong sinh hoạt để đỡ tốn kém.
Theo ông Chung, việc sử dụng nước như vậy là chưa khoa học, lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe của người dân.
“Dùng nước sạch chính vì sức khoẻ của chúng ta chứ không phải câu chuyện giá, còn bệnh tật thì rất âm thầm. Tôi tin, dùng nước nhiễm mặn, dùng nước chưa sạch thì da cũng không thể đẹp, không thể sạch được”, ông Chung nhấn mạnh.
Ngay sau hội nghị, Chủ tich UBND thành phố cho biết, Hà Nội sẽ rà soát các doanh nghiệp nước sạch phải đủ năng lực, nếu không phải nhất định thay thế...
Theo VietQ