Chủ động giám sát, phòng chống dịch bệnh
Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, tại Việt Nam, trong những ngày qua, ngoài các ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh, tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp tại các tỉnh, thành như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Gia Lai...
Lũy tích đợt 4 từ ngày 27/1/2021 đến nay ghi nhận 519 ca mắc mới (các ca mắc đã được công bố chính thức), trong đó có 484 ca mắc ngoài cộng đồng tại 13 tỉnh, thành phố: Hải Dương (327), Quảng Ninh (53), TP Hồ Chí Minh (33), Hà Nội (28), Gia Lai (22), Bình Dương (6), Bắc Ninh (4), Điện Biên (3), Hưng Yên (2), Hòa Bình (2), Bắc Giang (2), Hà Giang (1), Hải Phòng (1). Ngoài ra còn một số địa phương có ca mắc mới nhưng chưa được công bố chính thức. Lũy tích đến nay nước ta ghi nhận 2.070 ca mắc, 35 ca tử vong.
Tại Hà Nội, trong các ngày 8-10/2 ghi nhận 2 ca mắc mới. Cụ thể: BN2064 là Đ.Đ.N (nam, 73 tuổi, địa chỉ: 51/49 Dịch Vọng, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy). Bệnh nhân là F1 của BN1819 (Đ.T.L, người về từ Hải Dương). Bệnh nhân đã được cách ly tập trung tại Sư đoàn 308 Hòa Thạch, Quốc Oai, kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 30/1 âm tính. Ngày 3/2, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Hà Đông điều trị do xuất hiện đau đầu kèm tiền sử bệnh tiểu đường. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 09/2 dương tính.
BN2060 là Đ.C.L (nam, 38 tuổi, địa chỉ thường trú: huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), có liên quan dịch tễ với ổ dịch Lai Cách, tỉnh Hải Dương. Ngày 8/2, bệnh nhân đến khám bệnh tại BV Phổi Trung ương được xét nghiệm cho kết quả dương tính (ca bệnh này Bộ Y tế tính cho Hà Nội vì xét nghiệm tại BV Phổi Trung ương trên địa bàn Hà Nội). Đến nay đã xác minh được 2 trường hợp F1 (là người ngồi cạnh bệnh nhân trong lúc đợi kết quả khám bệnh), đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm, kết quả âm tính. Các đơn vị y tế đã khẩn trương điều tra, khoanh vùng xử lý dịch, phun khử trùng tại tất cả các địa điểm có liên quan tới ca bệnh.
Lũy tích giai đoạn 4 (từ ngày 27/1/2021 đến nay), Hà Nội ghi nhận 28 ca mắc ngoài cộng đồng, trong đó: Số ca mắc theo quận, huyện: Nam Từ Liêm (13); Cầu Giấy (5); Đông Anh (4); Mê Linh (2); Hai Bà Trưng (2); Đống Đa (1) và 1 trường hợp tại tỉnh Hưng Yên được Bộ Y tế tính cho Hà Nội vì xét nghiệm tại BV Phổi Trung ương trên địa bàn Hà Nội.
Về công tác rà soát, xét nghiệm cho những người về từ vùng dịch, tổng số người về từ Chí Linh, Hải Dương từ ngày 1/1/2021 và người về các khu vực ổ dịch tại Quảng Ninh từ 5/1/2021 là 18.046 người, tất cả đã được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả: 4 trường hợp dương tính (BN1694, BN1814, BN1815, BN1819), còn lại đều âm tính.
Về công tác quản lý cách ly người nhập cảnh: Hiện còn cách ly 909 người; Lũy tích: 48.046 người. Về công tác phòng, chống dịch tại các bệnh viện, các bệnh viện thực hiện việc phân luồng ngay từ công bệnh viện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bố trí phòng khám sàng lọc tại khoa khám bệnh. Từ ngày 8-10/2, các bệnh viện của Hà Nội đã xét nghiệm 85 trường hợp là bệnh nhân nghi ngờ, nhân viên y tế, bệnh nhân nặng..., kết quả 1 trường hợp nghi ngờ chuyển CDC Hà Nội xét nghiệm khẳng định dương tính (BN2064), còn lại âm tính.
Ngày 9/2, các đơn vị của Sở Y tế triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho 10.740 người là cán bộ, nhân viên làm việc tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, kết quả 500 mẫu âm tính, còn lại chưa có kết quả. Ngành Y tế tiếp tục thực hiện cách ly chặt chẽ và lấy mẫu xét nghiệm đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Hà Nội để chủ động giám sát, phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng chỉ đạo của UBND Thành phố.
Không tổ chức liên hoan tất niên, gặp mặt đầu xuân
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, tại Việt Nam, một số tỉnh thành cơ bản đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tuy nhiên lại phát sinh một số ổ dịch chưa rõ nguồn lây và người nhiễm nhiễm virus nhưng không có biểu hiện triệu chứng vì vậy thực tế trong cộng đồng vẫn còn tồn tại mầm bệnh và có thể tiếp tục lây lan.
Tại Hà Nội, nguy cơ về dịch bệnh vẫn ở mức rất cao bởi trong dịp Tết sẽ có sự gia tăng lượng người đi lại, nếu không quản lý tốt sẽ có hiện tượng những người từ các vùng dịch đi lại lây lan dịch bệnh, nhất là sau Tết khi người dân trở lại Hà Nội sinh sống và làm việc nhiều. Bên cạnh đó, mặc dù trong đợt dịch này, các cấp, các ngành đã tăng cường tuyên truyền, xử phạt các đơn vị, cơ sở, trường hợp không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, tuy nhiên vẫn còn một số người dân chưa tuân thủ như việc không đeo khẩu trang và còn tụ tập đông người. Vì vậy theo nhận định trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các ca bệnh mới ngoài cộng đồng trên địa bàn Thành phố.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thuộc Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong dịp Tết mà cần tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo về công tác phòng chống dịch của Chính phủ, Bộ Y tế, Thành ủy và UBND Thành phố, đặc biệt là Kết luận của Thường trực Chính phủ và Thường trực Thành ủy tại phiên họp ngày 8/2/2021.
Cùng đó, tập trung tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà và hạn chế đi lại khi không cần thiết; cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Người dân phải phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt phải tuân thủ nghiêm việc khai báo y tế; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, viêm phổi... phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn và khám, điều trị kịp thời. Nếu không tuân thủ sẽ có hình thức xử phải nghiêm, đủ sức răn đe. Dừng các hoạt động, sự kiện có tập trung đông người chưa cần thiết; không tổ chức liên hoan tất niên, gặp mặt đầu xuân.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác giám sát dịch, khi phát hiện các ca mắc mới phải thực hiện truy vết, khoanh vùng xử lý các ca bệnh một cách khẩn trương, thần tốc, xác định nhanh nhất những trường hợp liên quan với ca bệnh để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế theo quy định; huy động sự vào cuộc của lực lượng công an để thu thập thông tin và xử lý trường hợp không khai báo đầy đủ. Các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo đầy đủ chế độ cho người bệnh trong dịp Tết. Tăng cường việc phân luồng, khám sàng lọc, xét nghiệm để phát hiện kịp thời ca bệnh, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh trong cơ sở khám chữa bệnh. Thực hiện nghiêm Bệnh viện an toàn và phòng khám an toàn theo quy định của Bộ Y tế.
Các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng tại địa phương tiếp tục duy trì trạng thái sẵn sàng triển khai các biện pháp truy vết, khoanh vùng xử lý dịch khi xuất hiện ca bệnh và các trường hợp có liên quan trên địa bàn trong thời gian ngăn nhất. Phối hợp với ngành Công thương rà soát các phương án dự phòng hàng hóa, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Tăng cường công tác kiểm tra việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các khu vực công cộng và khu vực có tổ chức các hoạt động vui xuân, có hình thức xử phạt nghiêm đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm. Đặc biệt là việc không đeo khẩu trang và việc không khai báo y tế hoặc khai báo không đầy đủ gây khó khăn cho việc điều tra truy vết.
Ngoài ra, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về nhập cảnh, giám sát, cách ly y tế, phòng chống Covid-19, tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly, lây lan ra cộng đồng. Đảm bảo người dân và các cán bộ trong khu vực cách ly được đón Tết đầm ấm, vui vẻ nhưng không vi phạm các quy định về cách ly. Các đơn vị trong ngành Y tế, các quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực 24/24 giờ trong các ngày nghỉ Tết để sẵn sàng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch khi có phát sinh.
Theo Kinhtedothi