Theo số liệu thống kê, tính đến 31/5/2017, TP. Hà Nội đã thu hút và triển khai 104 dự án ODA với giá trị tài trợ cam kết khoảng 5.063,36 triệu USD, trong đó, giá trị đã ký kết là 3.143,37 triệu USD, đã giải ngân 1.167,39 triệu USD, đạt 37,14% giá trị ký kết. Giá trị ký kết ODA không hoàn lại là 261,93 triệu USD, chiếm 8,33% trong tổng số vốn đã ký; ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi: 2.881,44 triệu USD, chiếm 91,67%.
Hiện nay, Nhật Bản vẫn là quốc gia cung cấp vốn ODA lớn nhất cho Hà Nội với tổng số tiền cam kết khoảng 2.670 triệu USD, chiếm 56,4%, tiếp theo là Pháp 14,56% (691,6 triệu USD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 9,25% (439,15 triệu USD), Ngân hàng Thế giới (WB) 5,3% (251,15 triệu USD) và các nhà tài trợ song phương, đa phương khác như Phần Lan, Bỉ, Hàn Quốc, EIB, CTF… 14,67% (khoảng 696,27 triệu USD). Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số các dự án ODA là lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông đô thị 56% và cấp, thoát nước và xử lý nước thải 31,8%.
Trong giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo, TP. Hà Nội xác định việc huy động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cần tiếp cận linh hoạt theo hướng sử dụng tối đa các khoản vay ODA, kết hợp với viện trợ không hoàn lại và vay ưu đãi.
Đối với vốn ODA không hoàn lại và hỗ trợ kỹ thuật sẽ ưu tiên sử dụng cho các lĩnh vực: xây dựng chính sách, phát triển thể chế và tăng cường năng lực quản lý dự án, quản lý hạ tầng đô thị (đặc biệt lĩnh vực quản lý vận, hành đường sắt đô thị); hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc, nghèo của Hà Nội; chuẩn bị các chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA có công nghệ kỹ thuật cao, phức tạp và các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có kết hợp ODA;…
Đối với vốn vay ODA, Hà Nội sẽ tập trung nguồn vốn này cho các dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước (thành phố) có mức độ ưu tiên cao, có tác động lan tỏa và không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp, không có khả năng thực hiện thông qua xã hội hóa hoặc tư nhân không làm được; Thực hiện cho vay lại từ ngân sách nhà nước cho các chương trình, dự án đầu tư phát triển có khả năng thu hồi vốn.
Với nguồn vốn vay ưu đãi sẽ đuợc tập trung để đầu tư cho các chương trình, dự án có nguồn thu và có khả năng trả nợ chắc chắn (như các công trình điện, hệ thống thông tin liên lạc viễn thông, các công trình sản xuất có hàm lượng công nghệ và kỹ thuật cao, cấp nước, ...); những dự án đầu tư thúc đẩy khu vực tư nhân (bao gồm cả dự án đầu tư theo hình thức PPP). Việc huy động nguồn vốn này phải xem xét và cân nhắc đến hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng hoàn trả.
Nguồn Báo Công Thương