Dự án được đầu tư xây dựng theo chỉ giới đường đỏ tuyến đường đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 486/QĐ-UBND ngày 23/01/2009 và Quyết định số 2109/QĐ-UBND ngày 03/5/2018 với tổng chiều dài khoảng 3.991,09 m.
Điểm đầu tuyến: Giao với Quốc lộ 32 tại vị trí thuộc đoạn giữa trường Cao đẳng Giao thông vận tải và trường Đại học Công nghiệp, phường Minh Khai, quận Bắc từ Liêm. Điểm cuối: Vuốt nối vào đường ven đê để rẽ lên đường 23 (Đê sông Hồng) thuộc địa phận phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm.
Đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến theo quy hoạch, với các hạng mục chính gồm: Nền mặt đường, cấp thoát nước, hệ thống hào cáp kỹ thuật, chiếu sáng, cây xanh, hè vỉa, tổ chức giao thông, di chuyển các công trình ngầm, nổi trong phạm vi dự án; trên tuyến có 1 cầu đường bộ xây mới, 1 nút giao khác mức được thiết kế Hầm chui, các nút giao còn lại (giao Quốc lộ 32, đường ven đê - cuối tuyến…) được thiết kế giao đồng mức.
Tổng vốn đầu tư dự kiến 1.408 tỷ đồng. Thời gian được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2018 - 2020.
Nguồn vốn từ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Dự kiến quỹ đất thanh toán cho dự án BT gồm 10 ô đất với tổng diện tích là 33,39 ha trên địa bàn các quận: Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, đầu tư tuyến đường này nhằm cụ thể hóa Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016.
Đồng thời, góp phần hoàn thành mạng lưới giao thông liên khu vực của Thủ đô Hà Nội, giảm thiểu áp lực giao thông cho tuyến đường Quốc lộ 32, đường trục Tây Thăng Long, đường 23 (đê sông Hồng) và các tuyến đường khu vực, tạo thuận lợi để tiếp cận với cầu Thượng Cát trong tương lai, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương, ổn định an ninh trật tự giao thông Thành phố.
Trước đó, Hà Nội cũng đã thực hiện nhiều tuyến đường bằng hình thức BT. Làm rõ thắc mắc của dư luận về việc liên tục đầu tư các tuyến đường theo hình thức BT, ông Phạm Quý Tiên – Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội khẳng định, giá đất để đổi lấy 5 tuyến đường được tính toán chính xác, không gây thiệt hại cho Nhà nước.
Còn theo ông Vũ Duy Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, việc lựa chọn đầu tư theo hình thức BT là một trong những chủ trương của thành phố nhằm thu hút nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển hạ tầng trong khi nguồn vốn ngân sách chưa đáp ứng được.
Theo ông Tuấn, từ năm 2007 Hà Nội đã thực hiện đầu tư một số dự án theo hình thức BT, gần đây nhất có 5 tuyến đường giao thông tại nội đô vừa được công bố tại hội nghị xúc tiến đầu tư của thành phố vào ngày 17/6.
Trong khi đó, liên quan đến hình thức đầu tư BT, nhiều báo cáo của cơ quan kiểm toán, thanh tra liên tục chỉ ra những bất cập đối với nhiều dự án theo hợp đồng kiểu “đổi đất lất hạ tầng” này.
Mới đây nhất, Kiểm toán Nhà nước đã báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước 2016 gửi các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Theo văn bản này, kết quả kiểm toán 17 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BT mắc nhiều vi phạm.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp