Đây là lần đầu tiên các đô thị Việt Nam được góp mặt trong nhóm dẫn đầu. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được phân loại là "thành phố có tiềm năng cao" do chi phí thấp, khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ mạnh mẽ và sự tăng trưởng vốn FDI cao.
Lần đầu được công bố năm 2014, bảng xếp hạng trên được kết luận dựa trên chỉ số City Momentum Index (CMI) được tiến hành bởi Tập đoàn Bất động sản Jones Lang LaSalle (JLL), có trụ sở tại Chicago, Hoa Kỳ. JLL đánh giá và xếp hạng 134 đô thị lớn trên toàn cầu. Họ dựa vào 42 tiêu chí, đặc biệt là các yếu tố như khả năng tiếp nhận những thay đổi của công nghệ và đổi mới, sức tăng dân số nhanh và tăng cường các mối quan hệ quốc tế trong tiến trình toàn cầu hóa.
Ông Jeremy Kelly, Giám đốc nghiên cứu JLL, cho biết: "Những thành phố này tiếp tục thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài vào quá trình chuyển đổi từ hình thức sản xuất nhân công giá rẻ sang sản xuất giá trị cao". Tuy nhiên, ông Kelly cũng lưu ý rằng, chỉ số CMI không phải là một thước đo đánh giá những thành phố có chỉ số hấp dẫn đầu tư tốt nhất.
Bên cạnh đó, khả năng đáng sống của một thành phố cũng là những nhân tố được cân nhắc trong bảng xếp hạng này. Môi trường và nhà ở cho người dân chính là chiếc chìa khóa thu hút nhân tài đến sinh sống và làm việc. Chính vì vậy, nhiều thành phố phát triển mạnh mẽ như Bắc Kinh, Delhi đều lọt vào cuối bảng do các vấn đề ô nhiễm môi trường.
Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục cho thấy sự năng động của mình khi đa phần thành phố năng động nhất thế giới đều thuộc khu vực này. Đáng chú ý là thành phố Bangalore, vốn được mệnh danh là thủ phủ công nghệ của Ấn Độ, chiếm vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng.
Trong khi những đô thị như Tokyo hay Seoul đang cho thấy dấu hiệu phát triển chậm lại, đánh mất đà vốn có, thì ngược lại, Thung lũng Silicon và London lại chứng tỏ độ phát triển nhanh chóng khi luôn nằm trong bảng xếp hạng này hàng năm.
Nguồn Báo Công Thương