Thứ Hai, 25/11/2024 13:03:43 GMT+7
Lượt xem: 5115

Tin đăng lúc 24-10-2017

Hà Nội vững bước trên con đường hội nhập quốc tế

10 năm sau khi nước ta trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kinh tế Hà Nội đã có bước phát triển nhanh, toàn diện. Với vị trí là Thủ đô, trung tâm kinh tế - chính trị của cả nước, TP Hà Nội xác định hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của Thủ đô và cả nước.
Hà Nội vững bước trên con đường hội nhập quốc tế
Thành phố Hà nội đang thay đổi từng ngày

Trong những năm qua, mặc dù quá trình hội nhập quốc tế của Thủ đô còn gặp một số khó khăn do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, các nguồn lực chưa được khai thác hiệu quả, năng lực đổi mới về công nghệ của các doanh nghiệp còn thấp… Nhưng bằng những việc làm cụ thể như đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, minh bạch thị trường bất động sản, quản lý giá bảo đảm phù hợp với các quy định của WTO nhằm hình thành đồng bộ các yếu tố của kinh tế thị trường, phát triển thị trường hàng hóa…, kinh tế Hà Nội đã có bước tăng trưởng nhanh, toàn diện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các thành phần kinh tế cũng đang dịch chuyển theo hướng giảm dần tỷ trọng kinh tế nhà nước và tăng tỷ trọng khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Thành phố cũng luôn chủ động tổ chức các cuộc tiếp xúc, giao ban tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tích cực triển khai chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với các nước, tìm kiếm thêm nhiều thị trường xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, dịch vụ.

 

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 8,1% (nếu theo cách tính mới của Tổng cục thống kê là 7,14%), dự kiến cả năm tăng 8,5%, đạt kế hoạch đề ra. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8.679 triệu USD, tăng 9% so cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 21.530 triệu USD tăng 12% so cùng kỳ năm trước. Thành phố thu hút 398 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 2,16 tỷ USD, 22 dự án thu hút đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư dự kiến là 60 nghìn tỷ đồng. Khách du lịch quốc tế 9 tháng đầu năm đạt 3,54 triệu lượt, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2016.

 

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, trước mắt là trong những tháng cuối năm 2017, Ban Chỉ đạo sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập quốc tế của thành phố Hà Nội; Tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính. Tập trung, chủ động, phối hợp với các cơ quan chuyên ngành của Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Chương trình 80/CTr-UBND ngày 05/4/2017 đảm bảo các hoạt động đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao.

 

Tích cực trao đổi, kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các địa phương, tổ chức thực hiện tốt các chương trình xúc tiến thương mại, giải pháp kích cầu tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp, góp phần hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng thương mại dịch vụ, xuất khẩu; Đẩy nhanh tiến độ và tăng cường thu hút kêu gọi đầu tư, phát triển dịch vụ Logistics trên địa bàn Thành phố.

 

 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao quà kỷ niệm cho Đại sứ Cộng hòa Áo tại Việt Nam Thomas Loidl

 

Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động. Hoàn thiện các bước theo quy trình cổ phần hóa đối với 16 doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020.

 

Tăng cường quản lý nhà nước về giá, tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy trình về đăng ký kê khai giá. Triển khai Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Triển khai Chương trình tổ chức bán hàng Việt tại các quận, huyện, khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2017.

 

Tiếp tục phối hợp với Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO tăng cường quảng bá, xúc tiến các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng.

 

Thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của thành phố Hà Nội đến năm 2020 nhằm định hướng phát triển khoa học công nghệ, xác định các sản phẩm ưu tiên có sức cạnh tranh của Thành phố, của ngành, lĩnh vực. Tập trung giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu, cụm công nghiệp, làng nghề, khu đô thị…

 

Có thể nói, những lợi thế từ cơ chế mở của các hiệp định tự do thương mại mang lại là rất nhiều. Để tận dụng triệt để các cơ hội mở rộng quan hệ đối tác kinh tế với nhiều thị trường, thành phố Hà Nội cần phát huy nội lực, đi tắt đón đầu, nắm bắt cơ hội đầu tư để vượt qua khó khăn và vững bước trên con đường hội nhập./.

 

Đức Minh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang