Thứ Sáu, 22/11/2024 09:17:15 GMT+7
Lượt xem: 4425

Tin đăng lúc 26-12-2019

Hà Tĩnh: Giải quyết vướng mắc tại các dự án đường dây 110 kV trước thềm Xuân Canh Tý

Năm 2019, bức tranh kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục được vẽ bằng những gam màu sáng với tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP đạt trên 12%. Kinh tế phát triển nhanh đã kéo theo nhu cầu phụ tải điện trên địa bàn tăng cao. Đứng trước tình hình đó, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã tập trung nguồn lực, đầu tư nhiều dự án đường dây (ĐZ) và trạm biến áp (TBA) 110 kV trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Hà Tĩnh: Giải quyết vướng mắc tại các dự án đường dây 110 kV trước thềm Xuân Canh Tý
Đại diện Ban Quản lý dự án phát triển điện lực chia sẻ với phóng viên về những khó khăn khi triển khai công trình

Tuy nhiên, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đang gặp phải một số vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình, trong đó, có dự án ĐZ và TBA 110 kV Nghi Xuân.

 

Từ một tỉnh nghèo, Hà Tĩnh đã vươn mình phát triển mạnh mẽ với nhiều năm liền nằm trong tốp các địa phương có chỉ số về tăng trưởng ngành công nghiệp đạt trên 30%/năm. Do vậy, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng trên địa bàn tỉnh tăng cao đáng kể. Đặc biệt, phụ tải công nghiệp - xây dựng phục vụ hoạt động đầu tư, xây dựng hạ tầng tại các Dự án Khu công nghiệp Gia Lách, Cụm công nghiệp Xuân Lĩnh… trên địa bàn huyện Nghi Xuân tăng trưởng đột biến. Trong khi đó, toàn huyện Nghi Xuân vẫn chưa có TBA 110 kV nào, mà vẫn phải sử dụng nguồn điện từ các xuất tuyến 35 kV thành phố Vinh và huyện Can Lộc cấp về. Hiện tại, các ĐZ này đang vận hành đầy tải, nên vào cao điểm mùa nắng nóng, lễ, Tết đã xảy ra hiện tượng quá tải. Nguy cơ sự cố tiềm ẩn là rất lớn, dẫn đến việc phải cắt điện luân phiên và ảnh hưởng trực tiếp tới việc thu hút đầu tư, hoạt động phát triển kinh tế của doanh nghiệp, cũng như đời sống của nhân dân.

 

Trước nhu cầu về điện phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh Hà Tĩnh nói chung và huyện Nghi Xuân nói riêng ngày một tăng mạnh, EVNNPC đã tiến hành triển khai Dự án ĐZ và TBA 110 kV Nghi Xuân. Đây là dự án đặc biệt quan trọng, bởi khi dự án đi vào vận hành sẽ nâng cao chất lượng điện, giảm tổn thất điện năng, đảm bảo cung cấp điện lâu dài và ổn định cho khách hàng trên địa bàn huyện, cũng như các vùng lân cận. Theo đó, quy mô của dự án gồm 01 TBA 110 kV với 02 máy biến áp 25 MVA (giai đoạn 1 lắp 01 MBA 25 MVA) được xây dựng trên địa bàn xã Xuân Viên và thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân), cùng hệ thống ĐZ 110 kV có tổng chiều dài 6,46 km đi qua các xã Xuân Lam, Xuân Hồng và thị trấn Xuân An với tổng mức đầu tư đạt gần 139 tỷ đồng (sử dụng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới).

 

Dự án được khởi công trong tháng 5/2018 và đơn vị thi công đã đúc móng xong 34/34 vị trí móng trụ; Tiến hành dựng cột xong tại toàn bộ các vị trí cột; Hoàn thành các xuất tuyến 35 kV các ngăn lộ và kéo xong 99% khối lượng đường dây. Theo kế hoạch dự kiến, công trình được đóng điện và đi vào vận hành từ tháng 3/2019. Tuy nhiên, đã sau 9 tháng kể từ ngày dự kiến đóng điện, đến nay, Dự án ĐZ và TBA 110 kV Nghi Xuân vẫn chưa thể đi vào vận hành, khai thác.

 

 

TBA 110 kV Nghi Xuân đã hoàn thành từ trước tháng 3/2019, song vì vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nên công trình vẫn chưa thể đi vào vận hành

 

Nguyên nhân là trong công tác bồi thường, giải tỏa hành lang tuyến đường dây, vẫn còn 03 hộ dân chưa đồng ý với phương án nhận tiền đền bù. Điển hình như tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn An (Thôn 5, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân) có diện tích đất vườn cần phải thu hồi làm móng cột là 40,9 m2 và 362,6 m2 diện tích đất vườn hạn chế sử dụng vì nằm dưới hành lang an toàn tuyến. Gia đình đề nghị bồi thường toàn bộ khu đất, cũng như tài sản trên đất của gia đình với giá cao để chuyển ra chỗ ở mới.  Tuy nhiên, mong muốn này không được chấp thuận, bởi  trái với Nghị định số 14/2014 NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện và Quyết định số 75/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 03/11/2014 về việc ban hành Quy định chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, do đó, gia đình không hợp tác và không cho đơn vị thi công kéo dây điện qua phần đất của mình.

 

Dự án chậm tiến độ đã không chỉ gây thiệt hại về tài chính cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công, các doanh nghiệp và khách hàng thụ hưởng, mà còn gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội. Việc chậm tiến độ dẫn đến nhiều hệ lụy khác như: Không đảm bảo việc cung cấp điện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân; Lưới điện bị quá tải cục bộ vào những dịp cao điểm; Chất lượng điện không đảm bảo; Tỷ lệ tổn thất điện năng tăng cao…

 

 

Dự án ĐZ và TBA 110 kV Nghi Xuân đã hoàn thành xong 99% khối lượng công trình và chỉ còn vướng mắc giải phóng mặt bằng tại vị trí cột 25 - 26

 

 

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Tiến Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết:" Năm 2019, EVNNPC đã đầu tư, xây mới đường dây và TBA 110 kV Nghi Xuân. Tuy nhiên, dự án đang bị chậm tiến độ theo kế hoạch đề ra trước đó. Để tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư, UBND huyện đang tích cực tiến hành vận động các hộ gia đình ủng hộ chủ trương của ngành Điện và đồng thuận với phương án bồi thường. Bởi, chỉ cần kéo xong đường dây là có thể đóng điện, đưa công trình vào vận hành, phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Canh Tý".

 

Để công trình sớm được đi vào vận hành, góp phần nâng cao chất lượng điện điện năng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết đến, Xuân về, thiết nghĩ, các cấp chính quyền tỉnh Hà Tĩnh cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ EVNNPC triển khai công trình, nhằm đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp hài hòa với quyền lợi của người dân./.

 

Tuấn Anh

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang