Thứ Bẩy, 23/11/2024 00:17:14 GMT+7
Lượt xem: 1242

Tin đăng lúc 21-08-2019

Hà Tĩnh: Mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt trên 35%

Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt trên 35%, thu ngân sách từ công nghiệp chiếm 30-40% tổng thu ngân sách.
Hà Tĩnh: Mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt trên 35%
Nhà máy điện mặt trời xã Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chính thức phát điện lên lưới quốc gia từ cuối tháng 6.2019

Với lợi thế là vùng đất thuộc trung tâm Bắc Trung Bộ, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo mọi điều kiện thuận lợi, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Những năm qua Hà Tĩnh đã có nhiều bước phát triển vượt bậc, đặc  biệt trong lĩnh vực công nghiệp.

 

Được biết, theo Quy hoạch phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Hà Tĩnh (CN-TTCN) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, công nghiệp Hà Tĩnh định hướng phát triển bền vững với cơ cấu đồng bộ: gia tăng tỷ lệ chế biến sâu; khai thác hiệu quả các lợi thế về tài nguyên khoáng sản, nguồn nguyên liệu nông lâm thủy hải sản.

 

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Tĩnh, địa phương ưu tiên đầu tư, đổi mới công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường cùng với việc đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao; phát triển công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp theo hướng khuyến khích các ngành nghề truyền thống, du nhập nghề mới phù hợp với nguồn lực sẳn có của tỉnh. Trong đó, Hà Tĩnh tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vệ tinh cho các dự án trọng điểm, công nghiệp tập trung tại các khu, cụm công nghiệp.

 

Cũng theo ngành Công Thương Hà Tĩnh, thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 18/5/2018, tỉnh Hà Tĩnh xác định mục tiêu xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành khu kinh tế động lực của quốc gia và khu vực; là hạt nhân trong phát triển công nghiệp của tỉnh và khu vực. Tập trung phát triển ngành công nghiệp luyện kim và sản xuất điện năng; phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo sản phẩm sau thép, thực phẩm, đồ uống, dệt may, da dày, công nghiệp chế biến Nông-Lâm-Thủy sản; phát triển làng nghề, ngành nghề truyền thống.

 

Hiện, ngành công nghiệp Hà Tĩnh tiếp tục có bước đột phá cả về quy mô và năng lực sản xuất, trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh. Hoạt động Công nghiệp Hà Tĩnh những năm gần đây đã đạt được những kết quả vượt bậc. Trong 2 năm 2017 - 2018, giá trị sản xuất CN-TTCN có mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay.

 

Riêng năm 2019, tính chung 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 31,16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 35,25%, đóng góp 27,23 điểm phần trăm vào mức tăng chung toàn ngành.

 

Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất thép ước đạt 2,83 triệu tấn, tăng 37,5%; sản xuất than cốc ước đạt 1,73 triệu tấn, tăng 26,2% (chủ yếu phục vụ đầu vào cho quá trình luyện cán thép tại Formosa). Đối với ngành khai khoáng cũng tăng 38,06%, đóng góp 0,35 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động xử lý rác thải, nước thải tăng 5,5 lần, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào mức tăng chung toàn ngành.

 

Trong 7 tháng đầu năm, lĩnh vực sản xuất bia ước đạt 35,4 triệu lít, tăng 2,6% và sản xuất chế biến thực phẩm tăng 13,25% so với cùng kỳ.

 

Điểm nhấn quan trọng năm 2019, đối với ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,66%, đóng góp 0,57 điểm phần trăm. Tổng sản lượng điện sản xuất ước đạt 6.012,16 triệu kWh, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Đặc biệt, Nhà máy Điện mặt trời Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên) đã hoạt động đạt 100% công suất thiết kế (50 MWp), sản xuất 12 triệu kWh sau hơn 1 tháng chính thức phát điện lên lưới điện quốc gia.

 

Theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh, ông Hoàng Văn Quảng, hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh đang nỗ lực tăng tốc hoàn thành các chỉ số quan trọng trong những tháng cuối năm 2019. Tới đây, một số doanh nghiệp như nhà máy sản xuất gỗ MDF, HDF tại Vũ Quang, nhà máy điện mặt trời sẽ giúp các chỉ số phát triển công nghiệp Hà Tĩnh tăng trưởng khá vào những tháng cuối năm.

 

Theo kết quả 7 tháng cho thấy, cơ cấu sản xuất nội ngành tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng khai khoáng, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo và sản xuất phân phối điện.

 

Được biết, tỉnh Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt trên 35%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 20%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm khoảng 20-25%/năm; giá trị tăng thêm tăng bình quân khoảng 18-22%/năm; số lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp tăng thêm trên 7%; thu ngân sách từ công nghiệp chiếm 30-40% tổng thu ngân sách; tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đạt lần lượt trên 70 và 75%.

 

Trong đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, phát triển theo hướng gia tăng tỷ lệ chế biến sâu, đặc biệt chú trọng phát triển chất lượng hàng hóa sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu, mẫu mã, minh bạch rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, nhằm tăng giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường.

 

Theo Enternews


Tag:Hà Tĩnh

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang