Sàn TMĐT của Sở Công Thương Hà Tĩnh http://hatiplaza.com là giải pháp tối ưu, phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ 4.0 trong việc cung cấp giải pháp khép kín từ việc cập nhật sản phẩm, bán hàng, giao hàng đến thanh toán.
Sàn TMĐT này cũng đang khảo sát và tiến hành hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho 5 doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực chủ lực của tỉnh như: nông sản, chế biến thủy sản, tiểu thủ công nghiệp… tất cả các sản phẩm đều mang đậm giá trị truyền thống, là niềm tự hào của địa phương. Dù thuộc ngành hàng nào, các sản phẩm đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các quy chuẩn quốc gia về truy suất nguồn gốc.
Cùng với việc phát triển hoạt động TMĐT, Sở Công Thương Hà Tĩnh cũng đã chủ động kết nối với các đơn vị liên quan như: Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, các doanh nghiệp phân phối… để sản phẩm nội tỉnh đến gần hơn với khách hàng.
Bà Tôn Thị Thu Trang – phụ trách phát triển thương mại điện tử (Sở Công thương Hà Tĩnh) - nói: Phát triển hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh là một trong những hướng đi quan trọng của ngành trong 2 năm lại đây với mục tiêu tạo dựng một môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, thuận lợi, giúp doanh nghiệp phát huy tốt năng lực sản xuất, kinh doanh.
"Đây cũng là kênh giao dịch, quảng bá, cập nhật thường xuyên sản phẩm trực tiếp từ các đơn vị sản xuất uy tín trên địa bàn tỉnh đến các nhà phân phối, tạo mối liên kết trong hoạt động cung cầu. Trong 2 năm nay, Sở đã hoàn thiện 2 trang TMĐT có gian hàng bày bán sản phẩm là http://hatiplaza.com và http://dacsan.hatinh.vn" - bà Trang cho biết thêm.
Nhiều ưu đãi được đưa ra khi các sản phẩm chính thức lên sàn như: Sở Công Thương Hà Tĩnh sẽ tiến hành miễn phí việc đăng kí gian hàng, quảng bá sản phẩm để ưu tiên, tạo động lực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX tại Hà Tĩnh tham gia Sàn TMĐT Hà Tĩnh. Sở khuyến khích các doanh nghiệp tiếp cận tìm hiểu, tham gia để đưa sản phẩm đến với khách hàng ở các tỉnh khác.
Khi trở thành nhà bán hàng trên sàn TMĐT, chắc chắn các DN, hộ sản xuất có thêm một kênh phân phối hàng hóa hiện đại, chuyên nghiệp. Qua đó góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, từng bước hướng người dân địa phương tự tin tham gia vào thị trường với sự chủ động trong sản xuất kinh doanh.
Sàn TMĐT không chỉ là cầu nối giữa người bán và người mua mà đã dần trở thành thói quen mua hàng, là niềm tin của người tiêu dùng với những sản phẩm “made in Hà Tĩnh”.
Các sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch là một bước tiến để đưa các đặc sản địa phương ra ngoài địa giới. Trong tương lai gần những sản phẩm của chương trình OCOP sẽ có thêm những bước đột phá mới, đóng góp quan trọng vào chương trình phát triển kinh tế nông thôn của Chính phủ.
Theo Báo Công Thương