Thứ Bẩy, 23/11/2024 04:22:48 GMT+7
Lượt xem: 2433

Tin đăng lúc 22-03-2019

Hà Tĩnh sẽ trở thành trung tâm công nghiệp của miền Trung

Chỉ số phát triển công nghiệp Hà Tĩnh năm 2018 tăng 86%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 44.000 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so với năm 2017.
Hà Tĩnh sẽ trở thành trung tâm công nghiệp của miền Trung
Lãnh đạo tỉnh dẫn đoàn 200 doanh nghiệp tham quan Khu Kinh tế Vũng Áng chiều 19.3 vừa qua

Hà Tĩnh với nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển công nghiệp như kết cấu hạ tầng đồng bộ; có đường cao tốc Bắc Nam, đường sắt tốc độ cao đi qua; có Quốc lộ 8A, 12C nối Lào với các tỉnh Đông Bắc Thái Lan; có hai sân bay Vinh và Đồng Hới nằm cạnh tỉnh; có lợi thế cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương…

 

Những kết quả quan trọng “ban đầu”

 

Hiện nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 1.183 dự án, trong đó 1.108 dự án đầu tư trong nước, với tổng số vốn đăng ký trên 107.479 tỷ đồng và 75 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký 12.068 triệu USD. Có 17 nước và vùng lãnh thổ vào đầu tư... Điển hình một số dự án công nghiệp lớn đã được đầu tư, sản xuất kinh doanh như: Khu liên hợp gang thép Formosa; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, Nhà máy MDF/HDF Thanh Thành Đạt, Nhà máy may Haivina Hồng Lĩnh, các dự án điện mặt trời…

 

Theo ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, trong những năm qua, tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện. Hà Tĩnh đã không ngừng nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. “Trọng tâm đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại”, ông Thắng nhấn mạnh.

 

Hà Tĩnh định hướng tiếp tục chuyển dịch kinh tế tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng. Công nghiệp tiếp tục đột phá cả về quy mô và năng lực sản xuất, trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 86,7% so với năm 2017; đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng toàn ngành là công nghiệp chế biến chế tạo (ước tăng 102,4%) và sản xuất phân phối điện (ước tăng 31,3%). Lượng hàng hóa thông qua cảng Vũng Áng và cảng Sơn Dương đạt 27,3 triệu tấn.

 

Với những nỗ lực không ngừng, chỉ số phát triển công nghiệp Hà Tĩnh năm 2018 tăng 86%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 44.000 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so với năm 2017. Trong đó, nhiều sản phẩm công nghiệp mới được sản xuất như thép 4,3 triệu tấn, than cốc 2,6 triệu tấn, xỉ lò cao 1,6 triệu tấn, hắc ín 83 nghìn tấn…

 

Trong quý I năm 2019, Hà Tĩnh tiếp tục đạt được những bước phát triển nhanh trên các lĩnh vực. Tổng thu ngân sách ước đạt 3.203 tỷ đồng. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm 2018 (ước tăng 47,8%) và đều tăng ở cả 4 ngành công nghiệp cấp I (công nghiệp khai khoáng tăng 19,91%; chế biến chế tạo tăng 49,04%; sản xuất phân phối điện tăng 15,70%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 2,6%). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt 798,79 triệu USD. Chấp thuận chủ trương đầu tư 12 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 521 tỷ đồng.

 

Tiếp tục mở cơ hội đầu tư

 

Không dừng lại ở đó, Hà Tĩnh đã và đang tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập huấn, hội nghị về phát triển triển công nghiệp; tổ chức và tham gia nhiều đoàn xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước như xúc tiến đầu tư ở Cộng hòa Liên bang Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… nhằm kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh để phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.

 

 

UBND tỉnh phối hợp Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “kết nối doanh nghiệp đầu tư, cung cấp, sử dụng nguyên, vật liệu, sản phẩm của công nghiệp gang thép”

 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, công nghiệp gang thép phát triển hết sức mạnh mẽ và Hà Tĩnh đã khẳng định về phát triển công nghiệp gang thép và hướng tới công nghiệp sau thép. Ngành Công thương cũng đánh giá cao việc Hà Tĩnh xây dựng Khu công nghiệp dành cho công nghiệp hỗ trợ rộng 200ha, góp phần tăng giá trị gia tăng các sản phẩm từ thép; tăng đáng kế nguồn thu cũng như giảm kim ngạch nhập khẩu.

 

Hà Tĩnh cũng sẽ tích cực phối hợp với Bộ, ngành TW trong việc đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ, tận dụng lợi thế nguyên liệu cơ bản là sản phẩm của Dự án Formosa để hình thành chuỗi ngành công nghiệp sau thép, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh; kết nối Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để thu hút các dự án sản xuất, cung cấp các vật tư, thiết bị thay thế định kỳ, thường xuyên và sản xuất, chế biến sản phẩm từ nguyên liệu thép.

 

Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, sáng 20/3, UBND tỉnh phối hợp Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “kết nối doanh nghiệp đầu tư, cung cấp, sử dụng nguyên, vật liệu, sản phẩm của công nghiệp gang thép” nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế và định hướng quy hoạch; cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh. Hội thảo cũng sẽ cung cấp thông tin về quỹ đất công nghiệp thu hút đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh.

 

Đây cũng là cơ hội để Công ty Formosa Hà Tĩnh giới thiệu về nhu cầu nguyên vật liệu và sản phẩm gang thép đến các doanh nghiệp trong và ngoại tỉnh. Đồng thời, thông qua Hội thảo các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ nắm bắt được các cơ chế, chính sách, nhất là ưu đãi đầu tư, cơ hội đầu tư, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư… vào địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; thông tin về nhu cầu nguyên vật liệu và khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp mình phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghiệp gang thép, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp tái chế, sử dụng tro xỉ của nhiệt điện, tro xỉ lò cao…

 

Theo Ông Jimmy - Giám đốc bán hàng toàn cầu, Công ty Công nghệ Kim khí Akcome, Akcome đã và đang cân nhắc mở rộng nhà máy sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, để đáp ưng nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực kim khí. Trong đó, Hà Tĩnh là địa phương hội tụ nhiều lợi thế mang tính quyết định đến thành công của kế hoạch này, từ nguyên liệu vào được lấy từ nhà mày Formosa đặt tại địa phương, nguồn nhân công dồi dào và có sức cạnh tranh, mặt bằng đất đai cơ sở hạ tầng tốt, đặc biệt là vận tải đường biển thuận lợi.

 

 

Lãnh đạo Bộ Công Thương và UBND Tỉnh chứng kiến biên bản ký kết hợp tác của các doanh nghiệp tại Hội thảo “kết nối doanh nghiệp đầu tư, cung cấp, sử dụng nguyên, vật liệu, sản phẩm của công nghiệp gang thép” sáng 20/3

 

Hiện nay, Hà Tĩnh đang triển khai thực hiện rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020; lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Tập đoàn BCG của Mỹ làm tư vấn.

 

Tỉnh cũng đang tập trung đa dạng hóa huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng sớm trở thành Khu kinh tế động lực tầm cỡ quốc gia, quốc tế; tập trung thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo...; phát triển nhanh các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, công nghiệp hỗ trợ, thương mại, du lịch, dịch vụ trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh và liên kết vùng, liên vùng và khu vực.

 

Một trong những định hướng điều chỉnh lớn là tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhằm phát huy tối đa hiệu quả và khai thác lợi thế, tiềm năng của tỉnh. Thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới cơ chế để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trong nước và các Nhà đầu tư FDI, chú trọng các nhà đầu tư chiến lược, ông Đặng Quốc Khánh - Phó Bí thư Tỉnh Ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.

 

“Hà Tĩnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo của Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Công Thương trong việc hỗ trợ Hà Tĩnh xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể của từng nhóm ngành để tạo ra các chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ với các sản phẩm sản xuất sử dụng nguyên liệu gang thép của Công ty Formosa Hà Tĩnh”, ông Đặng Quốc Khánh chia sẻ.

 

Nguồn Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang