Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã khiến một số ngành hàng xuất khẩu của tỉnh Hà Tĩnh như: dăm gỗ, thủy sản, phôi thép, dệt may,… bị ảnh hưởng trực tiếp do thị trường các nước nhập khẩu tiêu thụ sản phẩm chậm, dẫn đến nhiều đơn hàng bị hủy. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trên địa bàn Khu kinh tế Vũng Áng bị thiếu hụt lao động nước ngoài (quản lý, chuyên gia, lao động kỹ thuật có tay nghề cao) gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; nguyên, nhiên liệu sản xuất thiếu hụt…
Theo báo cáo của ngành Công Thương Hà Tĩnh, so với cùng kỳ năm 2019, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2020 chỉ bằng 97,19%. 10 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.658,87 triệu USD, giảm 25,57% so với cùng kỳ.
Tuy vậy, hoạt động xuất khẩu của Hà Tĩnh vẫn đảm bảo mức tăng trưởng bởi các doanh nghiệp trong tỉnh đã nỗ lực duy trì sản xuất, bên cạnh thị trường truyền thống thì doanh nghiệp chủ động tìm kiếm, tiếp cận các thị trường mới.
Được biết, riêng tháng 10, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 106,28 triệu USD, tăng 5,92% so với tháng 9 năm 2020. Trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 920,83 triệu USD, tăng 34,52% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thép, phôi thép đạt 825,79 triệu USD; sợi 4,1 triệu USD; gạo ước đạt 3,66 triệu USD… Riêng xuất khẩu từ Formosa chiếm tỷ trọng 89,67% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh.
Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh ông Hoàng Văn Quảng cho biết, đến tháng 11, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 920 triệu USD. Đến hết năm 2020, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1,2 tỷ USD.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Tĩnh, ngành sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết các thủ tục hành chính; tập trung giải ngân nguồn kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu theo Nghị quyết 214 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh thúc đẩy phát triển kinh tế trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19.
Cùng với đó, ngành Công Thương tiếp tục theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu; chủ động phối hợp với các bộ, ngành để điều chỉnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới để giảm lệ thuộc vào các thị trường đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, chủ động khai thác cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Đối với các doanh nghiệp, trong hơn 1 tháng cuối năm cần tập trung nguồn lực, tăng tốc sản xuất để thúc đẩy xuất khẩu, đảm bảo các chỉ tiêu đã đặt ra trong giai đoạn “nước rút”.
Theo Enternews