Điểm sáng từ các ngành...
Theo số liệu từ Cục Thống kê, 3 tháng đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế của Hải Dương đạt 8,35%, cao hơn mức tăng trưởng chung cả nước (cả nước là 3,32%), đứng thứ 9 trong 63 tỉnh, thành phố và thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng. Kết quả này được đánh giá là khả quan và khá ấn tượng trước bối cảnh khó khăn, phức tạp cả ở trong và ngoài nước. Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine gây ảnh hưởng lớn, đẩy giá xăng dầu, lương thực tăng cao. Trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ tăng lãi suất và Trung Quốc thực hiện chính sách mở cửa nền kinh tế, tác động tới phát triển kinh tế chung.
Ở trong nước, khi năng lực nội tại nền kinh tế còn yếu thì phải đối mặt với sức ép của lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng, bất động sản tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trước bao khó khăn, thách thức ấy, kết quả trên là nỗ lực của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động chủ động tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Điểm sáng trong tăng trưởng quý I của tỉnh đến từ một số ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp. Mặc dù sản xuất công nghiệp chịu tác động tiêu cực nhiều mặt như đơn hàng ít, tiếp cận vốn khó khăn, chi phí đầu vào cao… song do cơ cấu ngành hàng đa dạng, không phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu nên mức độ ảnh hưởng không quá lớn.
Các ngành sản xuất linh kiện điện tử, máy văn phòng, ô tô và phụ tùng… đã góp phần làm tăng chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản xuất xe động cơ có đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng ngành công nghiệp với mức tăng 25,1%, tiếp đến là sản xuất và phân phối điện tăng 12,5%.
Tiếp đến là ngành sản xuất các sản phẩm điện tử tăng 12,3% so với cùng kỳ, trong đó mạch điện tử tích hợp tăng 6,9%; máy kết hợp từ hai chức năng trở lên: in, quét, copy,... tăng 35,6%. Hiệu ứng “mức nền thấp” do quý 1/2022 một số doanh nghiệp trong ngành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cộng thêm một số dự án mới đi vào hoạt động như Công ty TNHH Doosan Electro-materials VN, Dự án sản xuất TK Precision Technology Việt Nam, Dự án Công ty TNHH Linh kiện điện tử Wanshih (Việt Nam)... làm cho mức tăng chung của ngành đạt khá trong bối cảnh hoạt động sản xuất điện tử khá trầm lắng.
Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 12,0% so với cùng kỳ, trong đó, thức ăn chăn nuôi tăng 16,3%. Trong thời gian qua chăn nuôi có xu hướng chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn, nên nhu cầu thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng cao hơn so với tốc độ tăng đàn gia súc, gia cầm. Một số doanh nghiệp mở rộng nhà xưởng, tăng sản lượng sản xuất như CTCP dinh dưỡng quốc tế CNC, Công ty TNHH Haid Hải Dương.
Tuy nhiên, một số ngành do gặp những khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm nên sản lượng sản xuất giảm hoặc có mức tăng trưởng thấp, điển hình là các ngành may mặc, da giày, thiết bị điện, xi măng, than cốc. Hoạt động thương mại, dịch vụ vận tải, lưu trú, ăn uống cũng dần ổn định với mức tăng từ 10-20%.
Theo lãnh đạo BQL Khu kinh tế: Quý I/2023 Hải Dương đã thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) được 10 dự án mới với số vốn đăng ký là 33,2 triệu USD (quý I/2022 thu hút 2 dự án). Tất cả các dự án đều thuộc lĩnh vực công nghiệp, trong đó nhà đầu tư Trung Quốc là lớn nhất với 03 dự án, tổng vốn đăng ký là 11,5 triệu USD.
Luỹ kế các dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực tính đến quý I/2023 là 496 dự án, với tổng vốn đăng ký 9.246 triệu USD; tổng vốn đầu tư thực hiện đạt trên 7,7 tỷ USD. Các dự án FDI thu hút trên 200.000 lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp cùng hàng ngàn lao động gián tiếp.
Theo ông Phạm Bá Dũng - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hải Dương cho biết, thu hút đầu tư nước ngoài là một trong những nguồn lực quan trọng giúp Hải Dương phát triển và tạo ra những giá trị khác biệt. Để đạt mục tiêu thu hút đầu tư 400 triệu USD vốn FDI trong năm nay, tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai lập Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung thực hiện quy hoạch vùng công nghiệp động lực, phát triển các khu công nghiệp chuyên biệt công nghệ cao, dịch vụ và sinh thái nhằm hình thành vùng công nghiệp trọng điểm thu hút các dự án đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Theo ông Dũng: Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung tối đa các nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp mở rộng như Đại An, Tân Trường, Phúc Điền, An Phát 1, Kim Thành, Gia Lộc và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn...
Còn nhiều khó khăn
Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương: Mặc dù kết quả quý I ấn tượng, nhưng để đạt mức tăng trưởng cả năm trên 9% vẫn còn khoảng cách xa, nhất là khi tỉnh phải đối mặt với không ít thách thức. Công nghiệp dẫn dắt nền kinh tế song trong nội bộ ngành lại có sự phân hóa. Sản xuất may mặc, giày dép giảm hơn 4% so với cùng kỳ vì ít đơn hàng xuất khẩu. Đây là những ngành sử dụng nhiều lao động, nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến thu nhập và tiêu dùng xã hội. Sản xuất thiết bị điện giảm 23,6%, sản xuất than cốc giảm 38,2% do thị trường bị thu hẹp... Hoạt động xây dựng tăng thấp vì bất động sản "đóng băng". Mặt khác, do lãi suất tăng cao nên ít dự án mới khởi công, thu hút vốn đầu tư đạt thấp, giải ngân vốn không cao.
Sản xuất nông nghiệp, Hải Dương vẫn giữ vững vị thế là địa phương thế mạnh về cây trồng vụ đông và tạo dựng được nét riêng biệt từ lợi thế này. Tuy diện tích gieo trồng giảm 349 ha nhưng năng suất tăng nhẹ nên giá trị sản xuất không thay đổi nhiều so với năm trước. Sản xuất lúa đông xuân cơ bản thuận lợi, bảo đảm khung thời vụ. Ngành chăn nuôi được duy trì, tổng đàn đại gia súc, gia cầm tăng nhẹ, đáp ứng yêu cầu thị trường. Sản xuất thủy sản ở mức trung bình, không phát sinh dịch bệnh. Do không có đột phá nên mức tăng trưởng nông nghiệp chỉ đạt 1,8%, thấp hơn 1,7% so với quý I.2022.
Chăn nuôi lợn có đóng góp quan trọng vào tỷ trọng ngành nông nghiệp song hiệu quả đạt thấp. Tổng đàn lợn gần 284.000 con, tăng 6% so với quý I năm trước nhưng lại gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, giá lợn giảm. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng cao đã kéo giảm giá trị sản xuất của chăn nuôi lợn. Tình trạng này diễn ra tương tự với các hộ nuôi thủy sản, do vậy người nuôi hạn chế đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Đây chính là hệ lụy khi thiếu các mô hình liên kết hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, số lượng nông sản xây dựng được cấp chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu còn ít, thương hiệu sản phẩm chưa đủ mạnh để tạo sức cạnh tranh.
Thông tin từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), VCCI sẽ phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022 vào ngày 11/4. Trước những thuận lợi và khó khăn đan xen, để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2023, và đạt được mức nhảy bậc PCI năm 2022, Hải Dương cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, cần xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, tạo động lực thu hút đầu tư làm cơ sở cho nền kinh tế khởi sắc trong những tháng tiếp theo làm cơ sở cho kinh tế tăng trưởng cao hơn trong những tháng tiếp theo.
Theo DiendanDN