Trong những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo, tích cực hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp CNHT nội địa chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao tỷ lệ tự động hóa, gia tăng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm thông qua chuyển giao công nghệ. Qua đó đáp ứng nhu cầu gia công của các doanh nghiệp FDI. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua cung ứng nguyên vật liệu, khuôn mẫu, vật liệu và linh kiện sản xuất.
UBND tỉnh Hải Dương cũng đã phê duyệt Đề án "Phát triển công nghiệp công nghệ cao, CNHT giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030", cùng với đó là quy định về mức chi cho các hoạt động phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh và một số nội dung về chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm CNHT trên địa bàn tỉnh.
Nhờ vậy, giai đoạn 2021-2024, ngành CNHT đóng góp 18% vào tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đạt mức 78.900 tỷ đồng/năm. Trong đó, các lĩnh vực chủ lực gồm cơ khí, luyện kim (41%); điện - điện tử (19,9%); còn lại là dệt may, da giày và các ngành khác.
Hiện, Hải Dương đang tập trung phát triển liên kết chiến lược giữa các ngành cơ khí chế tạo, điện, điện tử, hóa chất, và hóa dược. Tỉnh hướng tới hình thành các liên kết chiến lược giữa các ngành cơ khí chế tạo, điện, điện tử, hóa chất, hóa dược, để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, như thiết bị cảm biến, chip điện tử, ô tô điện, với tỷ lệ nội địa hóa cao khoảng 60-70%.
Lê Anh