Xúc tiến đầu tư
Đây là lần đầu tiên Hải Dương kết nối toạ đàm trực tuyến với lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và 36 doanh nghiệp tại Hàn Quốc.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Phạm Xuân Thăng - Bí thư tỉnh ủy đánh giá cao nhà đầu tư Hàn Quốc chấp hành tốt pháp luật Việt Nam, đầu tư có trách nhiệm, hiệu quả nên mong muốn các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn vào tỉnh. Hải Dương đã, đang và sẽ tạo điều kiện tốt nhất, kiến tạo môi trường đầu tư tốt nhất cho doanh nghiệp Hàn Quốc. Thông qua buổi toạ đàm, các nhà đầu tư sẽ có thông tin để nghiên cứu và đưa ra quyết định đầu tư tại Hải Dương.
Tại buổi tọa đàm ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, Hải Dương là một trong những địa phương thu hút FDI sớm nhất trong cả nước và đến nay đã có gần 30 năm kinh nghiệm thu hút FDI. Hiện Hải Dương có gần 500 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 9,5 tỷ đồng đến từ 26 quốc gia, vùng lãnh thổ. Riêng Hàn Quốc có 133 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 1,3 tỷ đồng, đứng thứ nhất về số lượng và thứ ba về số vốn đầu tư. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hải Dương là điện, điện tử, khuôn mẫu, logistics, may mặc… Ngoài các ngành đầu tư truyền thống, Hải Dương mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục đầu tư lĩnh vực thế mạnh của doanh nghiệp và lợi thế của tỉnh như hạ tầng, kỹ thuật đô thị; dịch vụ công nghệ thông tin, công nghệ sinh học; giáo dục, đào tạo; tài chính, thương mại…
Hiện tại, Hải Dương quy hoạch 21 KCN và 3 KCN mở rộng với tổng diện tích hơn 4.500 ha. Trong đó có 11 KCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 84%. Các KCN thu hút 312 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,6 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 114.000 lao động. Trong số 233 dự án FDI có 57 dự án của Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD với hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu thuộc nhóm ngành điện, điện tử ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ. Tỉnh có 6 KCN tổng diện tích 1.134 ha đang hoàn thiện hạ tầng, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư. Các dự án đầu tư vào các KCN trên địa bàn được áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định chung của Nhà nước. Hiện các KCN đều có nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng. Nhà đầu tư dự án thứ cấp giao kết với chủ đầu tư hạ tầng với phần diện tích thuê để thực hiện dự án…
Phát biểu tại buổi tọa đàm đại diện các nhà đầu tư Hàn Quốc khẳng định Hải Dương là địa phương có tiềm năng để các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư. Đây là điểm đến đầy hứa hẹn thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc, nổi bật ở các lĩnh vực phát triển KCN, dịch vụ nghỉ dưỡng, công nghiệp phụ trợ. Các doanh nghiệp kỳ vọng Hải Dương có chính sách, cơ chế ưu đãi, linh hoạt để hấp dẫn các dự án chất lượng đến từ Hàn Quốc.
Tháo gỡ khó khăn
Tại buổi tọa đàm các doanh nghiệp Hàn Quốc đề nghị tỉnh giải đáp những thắc mắc cũng như cung cấp thông tin để có định hướng đầu tư tại Hải Dương. Đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh cũng tiếp thu ý kiến, trao đổi cởi mở giúp nhà đầu tư Hàn Quốc nắm bắt quy định, quy chế, chính sách ưu đãi khi đầu tư vào Hải Dương.
Đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc muốn biết chính sách phát triển KCN tại địa phương như thế nào?
Về vấn đề này bà Nguyễn Thị Thuý Hằng - Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết; phương án phát triển hệ thống KCN trên địa bàn đang hoàn thiện cùng với quy hoạch tỉnh. Trong đó các KCN thuộc vùng công nghiệp động lực được xây dựng bổ sung với diện tích gần 7.500 ha. Khi nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án phù hợp với quy định, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để hoàn thiện các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng trên cơ sở rút ngắn thời gian thực hiện và tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư thực hiện dự án.
Hải Dương kết nối toạ đàm trực tuyến với lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và 36 doanh nghiệp tại Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hàn Quốc muốn biết làm cách nào để cung ứng nguồn nhân lực, chính sách cạnh tranh về chi phí nhân công, quản lý để thu hút đầu tư.
Để làm rõ vấn đề này bà Hằng cũng thông tin cụ thể tới các doanh nghiệp Hàn Quốc; Hải Dương có dân số gần 2 triệu người, cơ cấu dân số trẻ với 1,1 triệu người trong độ độ tuổi lao động. Do thu hút đầu tư nước ngoài từ thời kỳ đầu nên lợi thế của lao động Hải Dương là tác phong làm việc công nghiệp. Hiện tỉnh có 20 đơn vị trực tiếp dạy nghề, cung ứng lao động cho các KCN, ngoài KCN. Để thực hiện chiến lược thu hút đầu tư, tỉnh đã xây dựng đề án xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Định hướng căn cứ vào nhu cầu đầu tư để đào tạo lực lượng lao động mũi nhọn. Hải Dương thuộc vùng II nên chi phí nhân công thấp hơn so với khu vực lân cận.
Việc doanh nghiệp Hàn Quốc khi muốn đầu tư khu nghỉ dưỡng, sân golf kết hợp đô thị xanh tại Hải Dương thì có vướng mắc gì không?
Giải đáp về vấn đề này ông Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Đề xuất của nhà đầu tư phù hợp định hướng, chủ trương phát triển của tỉnh. Tuy nhiên việc đầu tư sân golf kết hợp đô thị là một trong những lĩnh vực đặc thù, phải bảo đảm theo quy định chung và quy hoạch hiện hành. Hải Dương đang hoàn thiện quy hoạch chung vùng tỉnh nên có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. Cơ sở pháp lý khi thực hiện dự án đã được tỉnh công bố công khai, tạo điều kiện tối ưu để rút ngắn thời gian thực hiện.
Phát biểu kết luận Bí thư tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng ghi nhận những đề xuất của các nhà đầu tư Hàn Quốc để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Hải Dương. Bày tỏ vui mừng khi được các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá có tiềm năng nổi trội trong thu hút đầu tư FDI, Bí thư Tỉnh uỷ thay mặt lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ tạo điều kiện thúc đẩy dòng vốn FDI Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh. Đồng thời Bí thư Tỉnh uỷ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, biên tài liệu gồm những thông tin về môi trường đầu tư, cơ hội đầu tư để các doanh nghiệp Hàn Quốc nghiên cứu, lựa chọn hướng đầu tư phù hợp. Về những vấn đề các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm, Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản trả lời cụ thể.
Theo Diendandoanhnghiep.vn