Tham dự Diễn đàn có hơn 200 tổ chức, doanh nghiệp là các doanh nghiệp FDI hoạt động sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực CNHT, cung cấp dịch vụ và một số trường đại học trên địa bàn Thành phố.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, Diễn đàn sẽ là một hoạt động kết nối có ý nghĩa thiết thực để các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài cùng trao đổi cởi mở về nhu cầu, tiềm năng, lợi thế của nhau, trên cơ sở đó nhận diện những cơ hội đầu tư mới, có kế hoạch, biện pháp thúc đẩy hợp tác vì lợi ích của chính các doanh nghiệp và cũng vì sự phát triển kinh tế - xã hội Thành phố. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp CNHT và cung ứng dịch vụ, đào tạo... trong nước học hỏi kinh nghiệm quản trị, điều hành và phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kết nối nhu cầu mua/bán nhằm mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các “ông lớn” FDI. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp trong tương lai.
Được biết, thời gian qua, các KCN, KKT của Thành phố thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, đầu tư vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo với nhiều dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, trong đó, nổi bật là: Tổ hợp các dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 9,24 tỷ USD; Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast với tổng vốn đầu tư khoảng 7,6 tỷ USD; Tập đoàn Bridgestone với 1,224 tỷ USD; Pegatron với 900 triệu USD, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) với 500 triệu USD...
Nói về giải pháp tăng cường thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI, bà Trần Thị Hải Yến - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho rằng, Thành phố cần xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp của thành phố phát triển, nhất là hỗ trợ kết nối chuyển giao công nghệ, tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho doanh nghiệp FDI, tạo mối liên kết hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Ko Tae Yeon, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) thì cho rằng, Hải Phòng cần ban hành các quy định và tổ chức các hội thảo, hoạt động để giúp các doanh nghiệp trong nước được đào tạo, học hỏi về những tiêu chuẩn, quy định cũng như trao đổi kinh nghiệm với các nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hải Phòng rất sẵn sàng tham gia những hoạt động như thế này.
Cũng tại diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết 7 biên bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp CNHT và doanh nghiệp FDI gồm: Công ty TNHH Serveone (Việt Nam) với Công ty TNHH Cơ điện lạnh Quang Thắng, Công ty CP Sản xuất và Dịch vụ LEANMAC, Công ty CP Công nghiệp phụ trợ SKV Việt Nam, Công ty TNHH Kosame Việt Nam; Công ty TNHH Heesung Electronics Việt Nam với Công ty TNHH Công nghiệp Bảo Tiên và Công ty CP Nhựa kỹ thuật Vân Long; Công ty HKT Electronics Việt Nam và Công ty TNHH Hùng Cường.
Minh Vũ