Đó là chia sẻ của bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương tại hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Hải Phòng với doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi do Sở Công Thương Hải Phòng phối hợp với Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây.
Cơ hội để mở rộng thị trường
Theo bà Phan Thị Thắng, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo như đại dịch COVID -19, xung đột giữa Nga và U-crai-na và chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát, tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 đã gặp rất nhiều khó khăn. Các địa phương trên cả nước đã chủ động điều chỉnh, thích ứng, phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó, TP Hải Phòng là một trong những địa phương rất nỗ lực trong việc ổn định sản xuất, chủ động trong công tác tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm điện tử, linh kiện, cơ khí, nông thuỷ hải sản, thực phẩm, dệt may, da dày,… Đồng thời, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thông qua nhiều hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực.
Thực tế, TP Hải Phòng được biết đến là đầu mối giao thông - giao lưu quan trọng của Việt Nam và quốc tế. Địa phương này có hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, với 5 loại hình giao thông thuận lợi kết nối liên tỉnh, liên vùng và đi các nước trên thế giới. Trong 10 tháng năm 2023, xuất khẩu trên địa bàn TP Hải Phòng đạt trên 20 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2022. TP Hải Phòng nằm trong số ít các địa phương trên cả nước có xuất khẩu tăng trưởng dương trong 10 tháng đầu năm 2023.
Vể mối liên kết với các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, theo ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng cho biết: “Trung Quốc, Hông Kông luôn nằm trong vị trí top đầu thị trường xuất nhập khẩu lớn của TP Hải Phòng. Đối với thị trường Ấn Độ, đây là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Hải Phòng tại châu Á. Thị trường Nam Phi là đối tác thương mại lớn thứ hai và cũng là thị trường xuất khẩu thứ hai của Hải Phòng tại châu Phi. Trong thời gian qua, mặc dù Hải Phòng chủ yếu xuất siêu sang thị trường Nam Phi, nhưng giá trị xuất khẩu của Hải Phòng sang Nam Phi còn chưa tương xứng với tiềm năng, vị trí của nền kinh tế Nam Phi tại châu Phi”.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh thị trường tiêu thụ vẫn còn khó khăn do nhu cầu thị trường nội địa và thế giới phục hồi chậm chạp, mới đây, Sở Công Thương Hải Phòng phối hợp với Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) đã tổ chức hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Hải Phòng với doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi. Đây là cơ hội để các hệ thống phân phối, doanh nghiệp, hiệp hội nhập khẩu, doanh nghiệp TP Hải Phòng nắm bắt thêm thông tin về tình hình, nhu cầu thị trường xuất khẩu; cập nhật tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường; tiềm năng, dư địa xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ tiếp cận, đánh giá được năng lực sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp xuất khẩu TP Hải Phòng cũng như nắm bắt tình hình phát triển logistics tại địa phương.
Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng bộ Công Thương cho biết: “Thông qua hội nghị kết nối, Bộ Công Thương tin tưởng rằng chuỗi cung ứng hiện tại sẽ được củng cố và phát triển, thị trường xuất khẩu sẽ ngày càng được mở rộng đồng thời sẽ có thêm nhiều chuỗi cung ứng mới được hình thành, góp phần đưa các sản phẩm thế mạnh của Hải Phòng nói riêng và của Việt Nam nói chung đi xa hơn và bền vững hơn”.
Còn theo đại diện Công ty xuất nhập khẩu Huệ Vũ Bắc Kinh cho biết: “Với tầm nhìn xa hơn, thông qua hội nghị, phía công ty rất mong muốn thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam – Trung Quốc trong tương lai bằng cách tận dụng các cơ hội lưu thông hàng hoá thông suốt. Chúng tôi đang nỗ lực mở rộng quy mô thương mại tiến tới đầu tư song phương và hiện thực hoá tầm nhìn phát triển hợp tác thương mại sâu rộng hơn”.
Cần ưu tiên nguồn lực cho xúc tiến thương mại
Theo UBND TP Hải Phòng, về hợp tác thương mại với các nhà đầu tư Trung Quốc, TP Hải Phòng hiện có 163 dự án đến từ các nhà đầu tư Trung Quốc với tổng vốn đầu tư gần 1,2 tỷ USD. Trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp (chiếm gần 94%), còn lại là lĩnh vực kinh doanh dịch vụ logistics, thương mại, máy móc… Hoạt động xuất khẩu đạt 386 triệu USD, nhập khẩu đạt 2,2 tỷ USD.
Về hợp tác thương mại với các nhà đầu tư Ấn Độ, TP Hải Phòng hiện có 7 dự án đến từ nhà đầu tư Ấn Độ với tổng vốn đầu tư 13,1 triệu USD tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp. Hoạt động xuất khẩu đạt 57 triệu USD, nhập khẩu đạt 103 triệu USD.
Về hợp tác thương mại với nhà đầu tư Nam Phi, TP Hải Phòng hiện chưa có dự án đến từ các nhà đầu tư Nam Phi. Hoạt động xuất khẩu đạt 1,2 triệu USD, nhập khẩu đạt 0,5 triệu USD.
Theo các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, kim ngạch thương mại của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng và nằm trong xu hướng giảm chung của các quốc gia trên thế giới, để thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam nói chung và tại TP Hải Phòng nói riêng, cần hỗ trợ tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, tìm kiếm đối tác, nhà nhập khẩu, người mua hàng tiềm năng, góp phần tăng cường quảng bá sản phẩm, thương hiệu, kết nối giao thương, mở rộng thị trường.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đỗ Hữu Huỳnh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng cho biết: “Hiện có nhiều doanh nghiệp trong hội đã và đang hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… tạo nên giá trị sản xuất hàng chục nghìn tỷ đồng. Với các tiềm năng, lợi thế của TP Hải Phòng, các doanh nghiệp hội viên của Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng rất mong có cơ hội được giai lưu, tìm hiểu và học hỏi, hợp tác cùng các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi trên tất cả các lĩnh vực”.
Theo bà Phan Thị Thắng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành với các địa phương nói chung và TP Hải Phòng nói riêng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương với các thị trường nước ngoài, đặc biệt thông qua hệ thống cơ quan Thương vụ của Việt Nam tại các nước.
“TP Hải Phòng cần tiếp tục quan tâm, ưu tiên nguồn lực cho xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Song song với việc tiếp tục duy trì thị phần xuất khẩu tại các thị trường lớn như Trung Quốc, thị trường truyền thống như Đông Bắc Á, ASEAN, cần đẩy mạnh khai thác thị trường ngách, thị trường còn nhiều dư địa, tiềm năng như Châu Phi, Nam Á trong đó đặc biệt chú ý thị trường còn nhiều dư địa, tiềm năng như châu Phi, Nam Á. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, nhất là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA; tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn toàn cầu, tham gia sâu vào hệ thống phân phối ở nước ngoài”, bà Thắng cho biết thêm.
Còn ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: “Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Hải Phòng với doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp kết nối, trao đổi thông tin và từ đó triển khai các hoạt động hợp tác hiệu quả trong thời gian tới. TP Hải Phòng rất hoan nghênh và cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển tại Hải Phòng”.
Theo Diendandoanhnghiep.vn