Ông Nguyễn
Theo Ông Nguyễn Đức Thọ - PCT UBND TP Hải Phòng cho biết, giai đoạn 2018-2020, toàn TP Hải Phòng có 32 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia chương trình OCOP. Trong đố có 8 tổ chức, cá nhân có sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP gồm: 1 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã, 3 hộ sản xuất kinh doanh.
Các sản phẩm OCOP không ngừng được nâng cấp về chất lượng và mẫu mã. Giai đoạn này, toàn TP Hải Phòng có 43 sản phẩm được tham gia đánh giá phân hạng. Trong đó, năm 2020 có 31 sản phẩm, vượt 19 sản phẩm so với năm 2019; 12 sản phẩm được công nhân là sản phẩm OCOP. Trong đó, có 1 sản phẩm đạt 4 sao, 11 sản phẩm đạt 3 sao.
TP Hải Phòng hiện có nhiều sản phẩm gắn với đặc sản các vùng miền như: Cá mòi kho Làng Chài, huyện Kiến Thụy (đạt tiêu chuẩn 4 sao); gạo ruộng rươi, huyện Kiến Thụy; trứng Chấn Hưng, chuối quả, huyện Tiên Lãng; nấm sò tươi, rượu Nếp mân, huyện Vĩnh Bảo; táo Bàng La, quận Đồ Sơn; mật ong hoa rừng Cát Bà,… đã tạo nên những nét đặc trưng riêng cho sự phát triển các sản phẩm trên địa bàn TP Hải Phòng.
Được biết, thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, TP Hải Phòng đã tập trung vào đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm, đổi mới bao bì tem nhãn sản phẩm, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Mức hỗ trợ bằng 50% kinh phí thực hiện nhưng tối đa không quá 1 tỷ đồng/một xã. Thực hiện cơ chế hỗ trợ này, năm 2019, Hải Phòng đã hỗ trợ 4,39 tỷ đồng thực thiện nâng cấp, hoàn thiện 12 sản phẩm OCOP và năm 2020, hỗ trợ 2 tỷ đồng cho 10 sản phẩm OCOP.
Giai đoạn 2021-2025, TP Hải Phòng phấn đấu nâng cấp 1 sản phẩm 4 sao lên 5 sao; nâng cấp ít nhất 5 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao; tiêu chuẩn hoá ít nhất 200 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP TP, trong đó có ít nhất 30 sản phẩm đạt 4 sao, 5 sản phẩm đạt 5 sao; xác định 10-20 sản phẩm OCOP của các tổ chức kinh tế để tham gia các chuỗi giá trị tại địa phương từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để phát triển và thương mại hoá các sản phẩm truyền thống.
Theo ông Nguyễn Đức Thọ - PCT UBND TP Hải Phòng, để đạt được mục tiêu này, TP Hải Phòng khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình OCOP ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm OCOP; hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm OCOP; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chương trình OCOP để phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm trên thị trường; ưu tiên công tác phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm OCOP. Đồng thời, vận động, khuyến khích các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm tham gia chương trình OCOP liên kết thành lập doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác; liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng.
TP Hải Phòng cũng tập trung đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; lồng ghép, tổ chức hội chợ OCOP và diễn đàn kết nối giao thương cấp thành phố; xây dựng các điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP TP Hải Phòng trên địa bàn các quận, huyện; tư vấn, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP đổi mới bao bì, mẫu mã sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh; hỗ trợ in tem OCOP cho các sản phẩm được công nhận…
Trước đó, vào tháng 8/2018, TP Hải Phòng đã ban hành kế hoạch triển thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm TP Hải Phòng” giai đoạn 2018-2020. Mục tiêu đề án là củng cố, hoàn thiện 100% doanh nghiệp, HTX tham gia chương trình OCOP tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với HTX và doanh nghiệp; tiêu chuẩn hoá ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng khoảng 50 sản phẩm; thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường và giữ gìn ổn định xã hội khu vực nông thôn…
Theo Enternews