Tính đến tháng 9/2021, Hải Phòng có 6 quận, huyện thực hiện đánh giá, phân hạng 60 sản phẩm của 18 chủ thể tại 13 xã, 2 phường và 3 thị trấn; trong đó 30 sản phẩm đạt 3 sao, 30 sản phẩm phẩm đạt 4 sao.
Sau khi đánh giá, phân hạng cấp quận, huyện, Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp thành phố tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, trên cơ sở đó có 54 sản phẩm của 16 chủ thể (6 công ty, 4 hợp tác xã, 5 cơ sở sản xuất, 1 hộ kinh danh) thuộc 5 quận, huyện đủ điều kiện đánh giá chấm điểm.
Trong 54 sản phẩm đánh giá, phân hạng đợt này có 1 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm tươi sống; 5 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm thô, sơ chế; 25 sản phẩm nhóm thực phẩm chế biến; 7 sản phẩm nhóm mắm, gia vị, tương; 12 sản phẩm đồ gia dụng và trang trí; 3 sản phẩm nhóm đồ uống có cồn có... Đây đều là những sản phẩm đặc sản, đặc trưng, truyền thống của địa phương, được các chủ thể chú trọng đến an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc và bao bì nhãn mác theo quy định. Qua tổng hợp kết quả chấm lần 1, 16 sản phẩm đạt 4 sao, 31 sản phẩm đạt 3 sao và 7 sản phẩm không đạt (dưới 50 điểm).
Theo ông Nguyễn Đức Thọ - PCT UBND TP Hải Phòng cho biết, giai đoạn 2018-2020, toàn TP Hải Phòng có 32 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia chương trình OCOP. Trong đố có 8 tổ chức, cá nhân có sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP gồm: 1 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã, 3 hộ sản xuất kinh doanh.
TP Hải Phòng hiện có nhiều sản phẩm gắn với đặc sản các vùng miền như: Cá mòi kho Làng Chài, huyện Kiến Thụy (đạt tiêu chuẩn 4 sao); gạo ruộng rươi, huyện Kiến Thụy; trứng Chấn Hưng, chuối quả, huyện Tiên Lãng; nấm sò tươi, rượu Nếp mân, huyện Vĩnh Bảo; táo Bàng La, quận Đồ Sơn; mật ong hoa rừng Cát Bà,… đã tạo nên những nét đặc trưng riêng cho sự phát triển các sản phẩm trên địa bàn TP Hải Phòng.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Vũ Mai Chi – Giám đốc công ty TMCP F24 cho biết, hầu hết người tiêu dùng hiện nay đều hướng đến các sản phẩm sạch, an toàn. Phía công ty cũng lựa chọn những sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP hoặc có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Các mặt hàng trước khi được phân phối đều được thẩm định, kiểm tra chất lượng. Hiện các sản phẩm OCOP như: Cá mòi kho, mật ong hoa rừng ngập mặn, gạo ruộng rươi đang được bán khá chạy không chỉ ở Hải Phòng mà còn ở các tỉnh, thành lân cận.
Được biết, thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, TP Hải Phòng đã tập trung vào đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm, đổi mới bao bì tem nhãn sản phẩm, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Mức hỗ trợ bằng 50% kinh phí thực hiện nhưng tối đa không quá 1 tỷ đồng/một xã. Thực hiện cơ chế hỗ trợ này, năm 2019, Hải Phòng đã hỗ trợ 4,39 tỷ đồng thực thiện nâng cấp, hoàn thiện 12 sản phẩm OCOP và năm 2020, hỗ trợ 2 tỷ đồng cho 10 sản phẩm OCOP.
Sản phẩm Mật ong hoa rừng ngập mặn đã được công nhận OCOP 3 sao
Giai đoạn 2021-2025, TP Hải Phòng phấn đấu nâng cấp 1 sản phẩm 4 sao lên 5 sao; nâng cấp ít nhất 5 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao; tiêu chuẩn hoá ít nhất 200 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP TP, trong đó có ít nhất 30 sản phẩm đạt 4 sao, 5 sản phẩm đạt 5 sao; xác định 10-20 sản phẩm OCOP của các tổ chức kinh tế để tham gia các chuỗi giá trị tại địa phương từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để phát triển và thương mại hoá các sản phẩm truyền thống.
Theo ông Nguyễn Đức Thọ - PCT UBND TP Hải Phòng, để đạt được mục tiêu này, TP Hải Phòng khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình OCOP ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm OCOP; hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm OCOP; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chương trình OCOP để phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm trên thị trường; ưu tiên công tác phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm OCOP. Đồng thời, vận động, khuyến khích các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm tham gia chương trình OCOP liên kết thành lập doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác; liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng.
Anh Phạm Văn Quyên – Đại diện HTX Nam Việt (xã Tây Hưng, huyện Tiên Lãng) cho biết, sản phẩm chuối quả tươi của HTX Nam Việt được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Trong quá trình tham gia OCOP, HTX thường xuyên được các đơn vị liên quan hỗ trợ, định hướng, xây dựng dữ liệu sản phẩm; quảng bá, xúc tiến thương mại, ghi nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch mẫu mã, bao bì sản phẩm… Hiện sản lượng bán ra của sản phẩm chuối tươi Nam Việt đạt khoảng 500 tấn/năm, tăng gấp 3 lần so với trước khi tham gia chương trình OCOP.
Trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có khoảng 1000 sản phẩm tiềm năng có thể phát triển thành sản phẩm OCOP. Trong đó, 235 sản phẩm tiềm năng gần có thể phát triển thành sản phẩm OCOP trong vòng 5 năm trở lại đây.
Hiện TP Hải Phòng cũng tập trung đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; lồng ghép, tổ chức hội chợ OCOP và diễn đàn kết nối giao thương cấp thành phố; xây dựng các điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP TP Hải Phòng trên địa bàn các quận, huyện; tư vấn, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP đổi mới bao bì, mẫu mã sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh; hỗ trợ in tem OCOP cho các sản phẩm được công nhận…
Theo Diendandoanhnghiep.vn