Thứ Sáu, 22/11/2024 15:35:36 GMT+7
Lượt xem: 1875

Tin đăng lúc 12-09-2018

Hải Phòng- Rực rỡ khát vọng vươn lên

Với vị trí vô cùng quan trọng trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng Bắc bộ, Hải Phòng đang ngày càng tích cực tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng cứng và cơ chế mềm, nguồn nhân lực… để sẵn sàng cất cánh, trở thành một trong những thành phố (TP) có tốc độ tăng trưởng lớn nhất cả nước, là một cực tăng trưởng của cả đất nước.
Hải Phòng- Rực rỡ khát vọng vươn lên

“Con hổ” đang thức giấc

 

Nếu như màu hoa phượng đỏ làm nên bức tranh về một thành phố mộng mơ thì cảng biển chính là linh hồn của Hải Phòng với tên gọi thành phố cảng rất đỗi gần gũi, thân thương với người dân cả nước. Phát huy lợi thế vị trí địa chính trị hiếm nơi nào có được, không khó để nhận ra sự thay đổi của Hải Phòng trong vòng 2 năm trở lại đây khi hàng loạt các công trình hiện đại được các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến đầu tư với nhiều dự án có ý nghĩa chiến lược với sự phát triển của TP. Đơn cử như Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao của Tập đoàn LG, trị giá gần 2 tỷ USD; Nhà máy sản xuất, chế tạo ô tô Vinfast có tổng mức đầu tư trên 1,5 tỷ USD; Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, vui chơi giải trí đảo Cát Bà có tổng mức đầu tư trên 3 tỷ USD; Trung tâm thương mại Aeon Mall - Nhật Bản có tổng mức đầu tư 200 triệu USD…

 

Đáng kể nhất, trong vòng 2 năm trở lại đây, thị trường bất động sản Hải Phòng bắt đầu có diễn biến sôi động lại ở tất cả các phân khúc. Nhiều dự án của các tập đoàn kinh tế đổ bộ đã làm thị trường này “thức giấc” và dự kiến thời gian tới còn sôi động hơn nữa.

 

Kết quả trên được nhận định bắt nguồn từ sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của TP những năm gần đây, đặc biệt là việc đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng kết nối đến các dự án phát triển đô thị đã hỗ trợ tích cực và tạo động lực cho sự phát triển của Hải Phòng.

 

Ngoài ra, lãnh đạo UBND TP hàng tháng vẫn trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe và kịp thời giải quyết triệt để các kiến nghị. Với những hành động thiết thực này, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 của Hải Phòng đã đã có sự bứt phá ngoạn mục, trở thành “hiện tượng”, tăng 12 bậc, giữ vị trí thứ 9 trên bảng xếp hạng.

 

Quý I/2018, mức tăng trưởng GRDP 15,01% của Hải Phòng lập kỷ lục mới, cao nhất trong các quý I của 15 năm qua. Đây cũng là mức tăng trưởng cao so với cả nước và các tỉnh, thành phố lớn. Công nghiệp xây dựng và dịch vụ đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng GRDP, chứng tỏ cơ cấu kinh tế của Hải Phòng đi đúng hướng và tái cơ cấu kinh tế đang mang lại hiệu quả rõ rệt.

 

“Với sự chuyển biến mạnh mẽ từ điều hành, đến việc đầu tư bài bản cho hệ thống hạ tầng giao thông và đô thị một cách đồng bộ đã tạo bệ phóng cho Hải Phòng vươn mình. TP. Hải Phòng cùng cộng đồng doanh nghiệp đã sẵn sàng tâm thế để đón nhận những cơ hội và thách thức từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sắp tham gia. Hải Phòng hôm nay đang tự tin vững bước ra biển lớn” - ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Chủ tịch HĐND TP. Hải Phòng khẳng định.

 

Tại Hội thảo “Xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước” diễn ra cuối tháng 8/2018, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Nghị quyết số 32-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước được xem như là quyết sách quan trọng nhất của Trung ương đối với TP. Hải Phòng trong những năm qua.

 

Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 32, TP đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng nhanh, hầu hết các năm đều ở mức hai con số, gấp 1,68 lần mức tăng chung cả nước; từ năm 2016, tốc độ tăng trưởng gấp hơn 2 lần mức bình quân cả nước, vượt mục tiêu Nghị quyết 32 và Kết luận 72. Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2017 gấp 4,27 lần so với năm 2003. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng CNH-HĐH, đô thị hóa; Chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu. Thu nhập bình quân đầu người tăng, thu ngân sách nhà nước tăng trưởng vượt bậc. Có thể nói, Hải Phòng đã phát huy vai trò một cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế động lực phía Bắc.

 

Phát triển chưa xứng với tiềm năng

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, lãnh đạo TP. Hải Phòng cùng nhiều chuyên gia cũng chỉ ra không ít vấn đề đối với sự phát triển của Hải Phòng. Mục tiêu hoàn thành CNH-HĐH trước năm 2020 khó đạt được. Vai trò, đóng góp của Hải Phòng với vùng và cả nước còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

 

PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Hải Phòng có vai trò là trung tâm hội nhập quốc tế và động lực phát triển kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng. Vai trò này còn được mở rộng ra cho vùng Bắc bộ, thậm chí cho toàn bộ tuyến hành lang phát triển quốc tế Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh. Nhưng nhìn trong xu thế tổng thể và toàn cục,những kết quả Hải Phòng đạt được mới chỉ là bước đầu, còn cách xa kỳ vọng.

 

Theo GS, TS, NGND Lương Công Nhớ - Hiệu trưởng Trường đại học Hàng hải Việt Nam - những năm gần đây, Hải Phòng có sự phát triển đột biến về số lượng tàu. Tuy nhiên, việc chia nhỏ quy hoạch cảng giai đoạn đầu có ưu điểm tạo sức hút đầu tư nhưng về lâu dài tạo nên sự manh mún. Dịch vụ logicstics đã bắt đầu phát huy vai trò của mình, tuy nhiên chưa tạo thành chuỗi khép kín và hiệu quả dịch vụ thấp. Đội tàu vận tải biển Việt Nam còn nhỏ về quy mô, tuổi tàu lớn, năng lực cạnh tranh thấp, ngay tại thị trường vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam…

 

Định hướng và phát triển kinh tế Hải Phòng cần tập trung vào các lĩnh vực: sản xuất và hậu cần phục vụ công nghệ cao; các ngành dịch vụ cao cấp như tài chính, tư vấn; du lịch và bán lẻ. Hải Phòng cần học tập cách tiếp cận và công cụ về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Chính phủ Singapore. Một trong số đó là quan điểm “Kế hoạch là chắc chắn nhưng quy hoạch phải linh hoạt” và công cụ đất dự trữ linh hoạt cho phát triển trong tương lai.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương: Thời gian tới, Hải Phòng cần đặc biệt quan tâm tới mục tiêu bền vững; cần làm tốt vấn đề liên kết vùng; tập trung các giải pháp tăng năng suất lao động để nâng cao thu nhập bình quân đầu người nhằm sớm thực hiện mục tiêu CNH-HĐH.

 

Nguồn Congthuong.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang