Theo ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch TP Hải Phòng, hỗ trợ trực tiếp là giải pháp hiệu quả cho các nghề, làng nghề hiện đại hóa công nghệ, xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho các nghề và làng nghề truyền thống phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm làng nghề, thực hiện chính sách mỗi làng một nghề, đưa mức tăng trưởng ngành nghề nông thôn đạt trên 15%/năm, thu hút lao động làm việc tại các làng nghề ...
Đối tượng được hỗ trợ gồm 8 loại dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; 5 loại dự án thuộc Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề và 5 loại công trình xây dựng thuộc hình thức hỗ trợ phát triển làng nghề.
Trong đó, 8 nhóm nghề thuộc chương trình hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn gồm dự án chế biến nông, lâm, thủy sản; dự án thuộc chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề; dự án phát triển hàng thủ công mỹ nghệ; dự án sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu phục vụ phát triển nghề nông thôn; dự án sản xuất, chế tạo thiết bị, máy móc phục vụ nông nghiệp; dự án phát triển sinh vật cảnh; dự án làng nghề gắn với phát triển du lịch sinh thái và dự án sản xuất các sản phẩm từ phế, phụ phẩm nông nghiệp.
Đối tượng hỗ trợ thuộc Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề gồm các dự án bảo tồn, phát triển các làng nghề thủ công, mỹ nghệ, điêu khắc, mây tre đan; trồng hoa, cây cảnh với du lịch sinh thái. Hỗ trợ làng nghề bao gồm các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí bảo vệ môi trường cho các làng nghề.
Theo quy định của Hải Phòng, các dự án sẽ được hỗ trợ từ 50 đến 100% kinh phí tùy từng dự án. Việc quyết định hỗ trợ được thực hiện hàng năm.
Được biết, từ năm 2015, cùng với việc quy định xét công nhận nghề, làng nghề truyền thống, Hải Phòng cũng thực hiện hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân được công nhận nghề truyền thống, làng nghề truyền thống với mức hỗ trợ một lần cho tổ chức bằng 10 lần mức lương tối thiểu, hỗ trợ một lần cho cá nhân bằng 15 lần mức lương tối thiểu.
Bằng cách xây dựng đề án điểm phát triển làng nghề với nguồn lực hỗ trợ lớn và toàn diện, làng nghề đúc Mỹ Đồng (xã Mỹ Đồng, Thủy Nguyên) đang được “trợ sức” để nâng cao năng lực sản xuất, giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường.
Thành công lớn nhất của làng đúc Mỹ Đồng phải kể đến việc quy hoạch, xây dựng và hoàn thành điểm công nghiệp xã Kiền Bái (giáp ranh làng nghề Mỹ Đồng) giai đoạn 1, diện tích 11ha đã giải quyết một phần nhu cầu về mặt bằng của các cơ sở đúc, gia công cơ khí trên địa bàn. Dự kiến đến hết năm 2019, đề án đầu tư CCN làng nghề Mỹ Đồng, diện tích mở rộng 28,1ha, tổng mức đầu tư là 280,5 tỷ đồng sẽ hoàn thành, tạo thêm đáng kể mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp, cơ sở tại làng nghề phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cùng đó, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp thành phố cũng đã triển khai nhiều đề án hỗ trợ cho làng nghề, như: Tổ chức đào tạo nghề, thành lập hiệp hội ngành nghề, hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất...
Sự "trợ sức" này đã từng bước giúp các cơ sở tại làng nghề thoát khỏi mô hình sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, kém hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng và giảm chi phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giúp các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp làng nghề đúc Mỹ Đồng nâng cao năng lực quản lý, phát triển thị trường và hình thành chuỗi liên kết sản xuất.
Nguồn Enternews