Cơ cấu kinh tế thành phố Hải Phòng đã chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa với tỷ trọng giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ, công nghiệp-xây dựng tăng mạnh từ 84,91% năm 2005 lên 90,21% năm 2021; khu vực nông, lâm, thủy sản giảm từ 12,96% năm 2005 xuống còn 3,97% năm 2021.
Phát triển bứt phá
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân cho biết, trong thời gian qua, nhất là sau gần 17 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, thành phố Hải Phòng đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cùng các cực tăng trưởng khác làm đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước.
Trên địa bàn thành phố đã xuất hiện nhiều ngành, nghề, lĩnh vực mới trong nền kinh tế. Năng lực cạnh tranh của thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn được cải thiện, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi sản xuất trong nước, một số ngành có đóng góp tích cực, giữ vai trò đầu tàu trong cả nước và toàn vùng.
Kinh tế phát triển mạnh đã góp phần đưa tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2005-2021 của Hải Phòng tăng 16,2%/năm; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người năm 2021 đạt 152,34 triệu đồng, gấp 12,6 lần so năm 2005. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt với tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo từng giai đoạn), từ 10,26% năm 2005 giảm xuống còn 0,2% năm 2020 và năm 2021, Hải Phòng không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 62,39 triệu đồng/năm, gấp 1,22 lần bình quân chung cả nước và 1,02 lần mức bình quân vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ ba toàn vùng,...
Đặc biệt, hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội của thành phố Hải Phòng được quan tâm đầu tư phát triển mạnh, nhất là hạ tầng giao thông với hàng loạt công trình đường và cầu lớn như cầu vượt biển Đình Vũ-Cát Hải, Hoàng Văn Thụ, cầu Rào,... và các cầu trên hệ thống giao thông kết nối với các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình như cầu Dinh, Quang Thanh, Bến Rừng, Sông Hóa,... Các công trình giao thông lớn này không chỉ từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nội bộ mà còn tăng tính kết nối vùng. Qua đó, khẳng định được vai trò đầu mối giao thông quan trọng, cửa chính ra biển phía bắc của Hải Phòng.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng nhận định, hơn 10 năm qua, thành phố Hải Phòng đã có bước phát triển vượt bậc. Đặc biệt, quy mô kinh tế thành phố Cảng không ngừng được mở rộng, duy trì vị trí thứ hai trong vùng đồng bằng sông Hồng, sau Thủ đô Hà Nội; GRDP năm 2021 đạt 315,7 nghìn tỷ đồng, gấp 14,8 lần so với năm 2005; tỷ trọng GRDP Hải Phòng trong GDP cả nước chiếm từ 3,6% năm 2005 lên 4,4% năm 2020; tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, duy trì mức hơn 10%/năm và là mức tăng trưởng dẫn đầu cả nước và dẫn đầu vùng đồng bằng sông Hồng,…
Tập trung tháo gỡ "điểm nghẽn"
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Nguyễn Văn Tùng, để Hải Phòng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, thật sự trở thành thành phố động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng Bắc Bộ và cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đang quyết tâm vượt qua các khó khăn, thách thức, nhất là các "điểm nghẽn" đang cản trở sự phát triển. Đó là tốc độ mở rộng không gian đô thị của Hải Phòng còn khá chậm; hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, hiện đại và còn hạn chế về kết nối đa phương thức, chưa phát huy đầy đủ lợi thế của cả năm loại hình vận tải (đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt và hàng không) vốn là ưu thế khác biệt của Hải Phòng.
Cùng với đó, hạ tầng cảng biển chưa được quan tâm đầu tư, nâng cấp tương xứng vị thế; chưa có trung tâm logistics hiện đại tầm cỡ khu vực và thế giới, chưa phát huy hết vai trò là một trung tâm dịch vụ cảng biển, hàng hải và vận tải biển lớn của cả nước. Với vị trí cửa ngõ, nền kinh tế có độ mở lớn, Hải Phòng cũng thường xuyên hứng chịu những tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài như dịch bệnh, xung đột,...
Thành phố Hải Phòng đang tập trung cao độ cho việc tháo gỡ các "điểm nghẽn", các chủ trương của Thành ủy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và chương trình hoạt động của Ủy ban nhân dân thành phố đều đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể và ấn định thời gian tổ chức thực hiện, hoàn thành một cách riết róng. Cả hệ thống chính trị của Hải Phòng đang vận dụng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển được Quốc hội ban hành một cách chủ động, linh hoạt để phát triển kinh tế-xã hội thành phố. Cùng với đó, các đơn vị, cơ quan chức năng của Hải Phòng cũng đang nỗ lực đưa các chủ trương, chính sách vào cuộc sống, tổ chức thực hiện các dự án trọng điểm, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển.
Hải Phòng triển khai quyết liệt thủ tục đầu tư, nhất là giải phóng mặt bằng, sẵn sàng các điều kiện để thu hút làn sóng đầu tư cho phát triển. Trong đó, ưu tiên ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường để Hải Phòng trở thành trung tâm công nghiệp lớn của đất nước. Thành phố tập trung phát triển theo các định hướng chiến lược đã xác định như: đầu tư xây dựng, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng mang bản sắc đặc trưng riêng của thành phố cảng biển và đưa Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước. Do vậy, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị được quan tâm cùng với đẩy nhanh tốc độ phát triển, mở rộng không gian đô thị; phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các dự án du lịch, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng cao cấp, có quy mô tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa,...
Với việc tập trung cao độ, sáu tháng đầu năm 2022, tuy chịu ảnh hưởng di chứng của dịch bệnh, nhưng mức tăng trưởng GRDP của thành phố Cảng vẫn đạt 11,1%, dẫn đầu cả nước; thu ngân sách đạt gần 54 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 13,1 tỷ USD, tăng 9,12% so cùng kỳ năm 2021,...
Hải Phòng đã và đang trở thành "bến đỗ" của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quy mô lớn trong nước và trên thế giới. Chỉ tính riêng năm 2021, đã có 29 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới đổ vốn vào Hải Phòng. Nhiều dự án lớn đã được trao giấy chứng nhận đầu tư và triển khai tích cực như: các bến số 5, 6 Cảng nước sâu Lạch Huyện; Khu phi thuế quan-logistics và công nghiệp Lạch Huyện; Khu công nghiệp Tiên Thanh,...
Bằng quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cảng "Trung dũng-Quyết thắng", mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ sớm trở thành hiện thực.
Theo Nhân Dân