Thứ Hai, 25/11/2024 15:15:42 GMT+7
Lượt xem: 3957

Tin đăng lúc 23-04-2016

Hạn hán “bó” xuất khẩu gạo

Đợt hạn hán kéo dài ở Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất và xuất khẩu gạo trong năm 2016. Trước thực tế trên, nhiều chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo, cần giảm diện tích trồng lúa, chuyển sang cây trồng hiệu quả hơn.
Hạn hán “bó” xuất khẩu gạo
Sản lượng lúa gạo dự báo giảm trong năm 2016

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, những tháng đầu năm 2016, tình hình xâm ngập mặn, hạn hán đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Đánh giá sơ bộ, sản lượng lúa sẽ giảm 700.000 tấn (tương đương khoảng 350.000 tấn gạo). Sản lượng sụt giảm đã kéo giá lúa tăng cao: Giá thu mua lúa gạo thời điểm cuối tháng 3 và đầu tháng 4 đã tăng khoảng 500-1.000 đồng/kg tùy loại so với đầu năm.

 

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa gạo tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đã ký đơn hàng từ trước gặp khó khăn, chưa kể, do tình trạng giá lúa tiếp tục tăng cao, đã xuất hiện tình trạng đầu cơ tích trữ hàng khiến nhiều DN có tiền cũng khó mua được gạo. Nếu như trước đây, mỗi ngày, có DN mua được khoảng 700 – 1.000 tấn gạo thì nay chỉ mua được khoảng 600 tấn/ngày.

 

VFA dự báo, diện tích lúa bị thiệt hại của cả nước có thể còn tăng, nguồn cung bị thiếu hụt và giá lúa gạo trên thị trường sẽ có những diễn biến khó lường. Đây sẽ là thách thức cho xuất khẩu trong những tháng tới.

 

Nhằm đối phó với tình trạng hạn hán và xâm ngập mặn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, trước mắt cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, về lâu dài phải giảm dần diện tích đất trồng lúa để chuyển sang các loại cây, con khác phù hợp với tình hình.

 

GS. Võ Tòng Xuân - chuyên giá lúa gạo - cho rằng, chuyện nước mặn xâm ngập không phải bây giờ mới xuất hiện. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ nói đến nước mặn ở góc độ gây hại cho lúa mà không đề cập đến lợi thế của nước mặn mang lại cho nông dân một số vùng ven biển.

 

“Ở nhiều vùng, bà con đã khai thác nước mặn để nuôi trồng thủy sản mang lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa gấp nhiều lần. Hàng chục ngàn hộ nông dân ở vùng ven biển đã đổi đời nhờ con tôm, con cá. Tại sao các cơ quan chức năng không định hướng cho bà con mạnh dạn chuyển đổi sản xuất các sản phẩm khác có giá trị hơn lúa, đặc biệt khi nguồn cung lúa gạo trên thế giới đang dư thừa?” – GS. Võ Tòng Xuân băn khoăn.

 

Đồng tình ý kiến với GS. Võ Tòng Xuân, ông Trương Minh Hoàng - Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - khuyến nghị: Thay vì sản xuất 2 vụ lúa, những vùng đang bị xâm ngập mặn phải tính đến việc sản xuất một vụ lúa, một vụ tôm để thích ứng với sự thay đổi nguồn nước; sản xuất một vụ lúa, một vụ màu theo cách vụ này trồng lúa và ngay sau khi thu hoạch sẽ bơm nước ra để trồng đỗ xanh. Đây là việc tỉnh Cà Mau đang làm rất tốt và mang lại hiệu quả cao.

 

Thực tế, giảm diện tích đất trồng lúa để chuyển sang các cây trồng khác đang là hướng đi của nhiều quốc gia trên thế giới. Đơn cử như Thái Lan - một trong những “vựa lúa” thế giới đã cắt giảm sản lượng gạo để chuyển sang trồng một số loại cây khác như mía, xoài, vải thiều. Malaysia trồng cây dầu… Đây đều là những loại cây mang lại giá trị cao hơn cây lúa. Trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, có lẽ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần phải được tính đến - gấp gáp hơn bất cứ lúc nào.

 

 

Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp Quốc gia được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII chỉ rõ, đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa chỉ còn 3.760,39 nghìn ha, giảm 52,04 nghìn ha so với năm 2011.

 

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang