Thứ Bẩy, 23/11/2024 16:34:47 GMT+7
Lượt xem: 5424

Tin đăng lúc 15-07-2014

Hàn Quốc xa và gần

Khi đặt chân đến Hàn Quốc, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là sự ngỡ ngàng, trầm trồ đan xen giữa hai luồng cảm nhận: một bên là sự thanh bình, yên ả và một bên là sự ồn ào, náo nhiệt rất đối lập, song lại vô cùng hài hòa trong một đất nước tươi đẹp và giầu truyền thống.
Hàn Quốc xa và gần

 

Dạo chơi tại thủ đô Seoul trong nắng vàng, giữa bầu không khí trong lành dễ chịu, chúng tôi không có cảm giác đang hít thở bầu không khí của một thành phố công nghiệp, một trong những công xưởng sản xuất hàng hóa uy tín của thế giới, mà chỉ luôn cảm thấy mình đang ngập trong những niềm vui, niềm hân hoan của những khách du lịch thả mình trong cảnh đẹp và tận hưởng thú vui tham quan, mua sắm.

 

Cách đây nửa thế kỷ, Hàn Quốc đứng trước ngưỡng cửa của sự đói nghèo và lạc hậu. Tài nguyên thiên nhiên hầu như không có gì đáng kể, chỉ có nắng, gió và không khí trong lành của biển cả. Thứ duy nhất mà Hàn Quốc có được là con người. Trong hoàn cảnh khó khăn khi hai miền Bắc - Nam chia cắt, người dân Hàn Quốc đã học tập và lao động quên mình để xây dựng đất nước Hàn Quốc văn mình và giàu mạnh như ngày nay.

 

 

Trong chuyến đi này, đoàn chúng tôi đã có dịp tới thăm và làm việc với nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Hàn Quốc nhưng để lại ấn tượng sâu sắc nhất với đoàn là được tới làm việc, khảo sát khu chế biến rác thải tại thủ đô Seoul.

 

Dù đã được giới thiệu trước về khu chế biến rác thải, song chúng tôi vẫn nghĩ rằng mình đang đi trong một khu công viên xanh, mát, trong lành nào đó bởi sự sạch sẽ, đẹp và thơ mộng. Khu chế biến rác này thực sự đã đạt đến trình độ công nghệ văn minh, tiên tiến!

 

Đầu vào của khu chế biến rác là các loại rác đã qua phân loại ban đầu. Sau đó, các loại rác được phân loại tiếp, loại bỏ những tạp chất và trở thành đầu vào cho một số nhà máy sản xuất như nguyên liệu đốt nóng, phân bón…

 

 

Số rác thải qua một số lần loại bỏ sẽ qua giai đoạn ép, xử lý công nghệ sinh học và được chôn vào lòng đất. Trên những khu đất này, những công viên cây xanh sẽ được mọc lên, đóng góp thêm màu xanh cho Trái Đất. Công nghệ “rác xanh’’ này đã được Hàn Quốc giới thiệu và chào bán cho một số quốc gia khác cùng áp dụng.

 

Một công trình nhỏ trong tổng thể những công trình hiện đại, văn mình khác của Hàn Quốc giúp chúng tôi hiểu ra một điều rằng: làm giầu cho quê hương, đất nước có thể bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, đó là tiết kiệm và tận dụng những thứ tưởng chừng chỉ có thể bỏ đi.

 

 

Trong thời gian ở Hàn Quốc, đoàn công tác đã có dịp tới thăm thực địa tại Ủy ban Nhân dân quận Song-pa ở thủ đô Seoul. Ấn tượng để lại trong mỗi vị khách Việt Nam là sự đón tiếp niềm nở, thân thiện của cán bộ tại đây dành cho mỗi người dân khi tới Ủy ban giao dịch. Không có khẩu hiệu, không có những chiếc bảng to dán đầy những nội quy, quy trình hướng dẫn. Tất cả đã được số hóa trong máy tính đặt tại sảnh đón tiếp. Người dân chỉ cần đặt lịch và yêu cầu về dịch vụ công cần tiến hành, hệ thống máy tính sẽ tự xử lý và đưa ra các hướng dẫn cụ thể, chi tiết, thậm chí ngày giờ sẽ hoàn thành thủ tục. Phần lớn dịch vụ công được tiến hành chủ yếu qua mạng máy tính và tự động hóa. Doanh nghiệp và người dân không mất thời gian đi lại và trao đổi. Riêng việc này đã giúp đất nước Hàn Quốc giảm đáng kể những chi phí phát sinh không cần thiết. Những việc tưởng như nhỏ bé này đã góp phần không nhỏ trong việc đưa nền kinh tế Hàn Quốc ngày càng lớn mạnh.

 

Sau một thời gian tăng trưởng nhanh để theo kịp với tốc độ của thế giới, Hàn Quốc nhận ra rằng, không thể làm giầu bất chấp mọi thứ bởi cái giá phải trả cho sự thịnh vượng nhanh chóng đôi khi là quá cao và không cần thiết.

 

 Sự phát triển công nghiệp quá nóng của Hàn Quốc trong thời gian trước đây đã phần nào gây thiệt hại cho môi trường. Chính sách “Tăng trưởng xanh” sẽ thúc đẩy quá trình chuyển giao của Hàn Quốc sang một nền kinh tế dựa vào tri thức và đem đến những giá trị lớn hơn và xanh hơn cho sản xuất của đất nước. Tăng trưởng xanh sẽ thay đổi lối sống của người dân, thúc đẩy sự thay đổi trong cách ứng xử với môi trường sẽ giúp Hàn Quốc trở thành một đất nước phát triển bền vững hơn cho những thế hệ sau.

 

 

Kể từ khi chính sách “Tăng trưởng xanh” được công bố, đông đảo người dân Hàn Quốc đã tích cực tham gia. Điều này được thể hiện ở chỗ đã tạo ra những cộng đồng “xanh” qua các dự án như “Ngôi nhà xanh trị giá 2 triệu”, “Thành phố và Dòng sông xanh hơn”, “Thành phố Mặt trời”,…

 

Khi đoàn công tác ghé thăm các khu dân cư tại thủ đô Seoul, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những cử chỉ, thói quen sinh hoạt văn minh của người dân. Từ những người lao động, cụ già, trẻ em hay tầng lớp thanh niên, cán bộ nhân viên văn phòng đều có ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung. Không thể kiếm đâu ra những đống rác, dù là nhỏ, vương vãi trên đường phố hay các khu chợ sau khi đã dọn hàng, đóng cửa. Tất cả đều được phân loại, dọn dẹp sạch sẽ theo các quy trình xử lý rác đơn giản đã được phổ biến. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt ở đây là ý thức tự giác của người dân, đây cũng là yếu tố then chốt cho bất cứ một chính sách hay quy định nào của nhà nước.

 

Trở lại Việt Nam sau thời gian rất ngắn công tác tại Hàn Quốc, đoàn chúng tôi không khỏi quyến luyến đất nước Hàn Quốc văn minh, giầu đẹp. Chúng tôi đều mong muốn có dịp quay trở lại nước bạn trong một ngày gần đây để được tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của các bạn trong việc xây dựng và quản lý đất nước, được tiếp thu những thành quả mới nhất của khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo, để khi có điều kiện, có thể áp dụng cho đất nước, quê hương của mình.

 

 

Đứng trước thực trạng còn ngổn ngang của đất nước ta trong vấn đề bảo vệ môi trường, nhìn sang nước bạn với những chính sách nhìn xa trông rộng đã nói trên, chúng tôi không khỏi xót xa trước việc tài nguyên thiên nhiên đang bị xâm hại nghiêm trọng, bị sử dụng lãng phí, môi trường thiên nhiên đang phải rung chuông báo động nguy cấp. Ngẫm lại hình ảnh quê hương, đất nước, dù có “rừng vàng, biển bạc” nhưng nếu không được bảo vệ, khai thác hợp lý thì e rằng, trong một tương lai không xa, tài nguyên duy nhất mà chúng ta có được chỉ là nguồn lực lao động trình độ chưa thông, tay nghề chưa cao mà thôi.

 

Với xuất phát điểm còn nhiều hạn chế như Việt Nam, vấn đề bảo vệ môi trường, gắn phát triển kinh tế với tăng trưởng xanh cần tiến hành trong dài hạn và rất cần sự quan tâm của Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách phát triển hợp lý. Ngoài ra, Việt Nam cần tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, trong đó có thành quả của công nghệ thông tin để hiện đại hóa, thuận lợi hóa và tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, thương mại. Có như vậy, viễn cảnh về một đất nước Việt Nam giầu đẹp, văn minh, thịnh vượng mới có điều kiện sớm trở thành hiện thực.

Phạm Hạnh

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang