Thứ Sáu, 22/11/2024 17:00:35 GMT+7
Lượt xem: 3675

Tin đăng lúc 11-11-2017

Hàng giả và quyền lợi người tiêu dùng

Hiện nay tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường đang trở lên phổ biến. Ngay cả những doanh nghiệp lâu nay vốn vẫn chiếm được lòng tin của người tiêu dùng thì gần đây, hàng loạt vụ việc bị lực lượng chức năng phanh phui với nhiều thủ đoạn gian lận, trà trộn, gắn mác thương hiệu vào các sản phẩm không rõ nguồn gốc rồi bán với giá “cắt cổ” đã khiến niềm tin của người tiêu dùng bị giảm sút.
Hàng giả và quyền lợi người tiêu dùng
Ảnh minh họa

Thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, rồi đến các sự cố sản phẩm lỗi… khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng, yên tâm. Đặc biệt, chính người tiêu dùng cũng tỏ ra lúng túng và không biết phải xử lý như thế nào khi phát hiện ra sản phẩm lỗi, sản phẩm “có vấn đề”. Thực tế cho thấy dường như người tiêu dùng vẫn chưa thực sự biết và hiểu các quyền năng cơ bản của mình. Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng hiểu được các quyền của mình thì lại có tâm lý e ngại trong việc sử dụng các quyền của mình, nhất là quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại.

 

Vậy trước thực trạng “thật giả lẫn lộn”, người tiêu dùng được hưởng quyền lợi gì khi bị mua phải hàng giả?

 

Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật. Người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

 

Pháp luật nghiêm cấm hành vi lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác.

 

Khoản 7 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định, người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

Khoản 2 Điều 11 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

Như vậy, khách hàng mua phải hàng giả có quyền khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán hàng giả, gây thiệt hại cho khách hàng.

 

Có nhiều biện pháp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức của mình, hiểu rõ quyền lợi của mình, bên cạnh đó cần tăng cường vai trò, hiệu quả hoạt động của các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng...

 

Trường Phạm

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang