Thứ Sáu, 22/11/2024 05:51:07 GMT+7
Lượt xem: 13317

Tin đăng lúc 01-10-2019

Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2019

Giám đốc Sở GD&ĐT không bắt buộc tốt nghiệp Đại học sư phạm, lệ phí cấp thẻ CCCD từ 30.000 đồng, tốc độ tối đa của ô tô và xe máy khi tham gia giao thông... là những chính sách mới nhất có hiệu lực từ tháng 10/2019.
Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2019

Giảm số lượng thành viên tổ giám sát thanh lý tài sản của Quỹ TDND

 

Thông tư 13/2019/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư 23/2018/TT-NHNN về thanh lý tài sản Quỹ tín dụng nhân dân (Quỹ TDND) có hiệu lực từ ngày 05/10/2019.

 

Theo đó, tổ giám sát thanh lý tài sản của Quỹ TDND giảm từ tối thiểu 05 thành viên xuống còn tối thiểu 03 thành viên bao gồm đại diện:

 

- Ngân hàng Nhà nước chi nhánh;

 

- Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam;

 

- Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (trường hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho Quỹ TDND vay đặc biệt).

 

Theo quy định hiện hành thì thành viên tổ giám sát thanh lý còn có đại diện Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng (tại tỉnh, thành phố nơi có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng).

 

DN không trích lập dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư ra nước ngoài

 

Đây là nội dung được nêu tại Thông tư 48/2019/TT-BTC hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi…có hiệu lực từ ngày 10/10/2019.

 

Theo đó, việc trích lập các khoản dự phòng phải đảm bảo 04 nguyên tắc chung sau:

 

- Doanh nghiệp không trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản đầu tư ra nước ngoài;

 

- Các khoản dự phòng theo quy định được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN trong kỳ báo cáo năm để bù đắp tổn thất có thể xảy ra trong kỳ báo cáo năm sau;...

 

- Thời điểm trích lập và hoàn nhập các khoản dự phòng là thời điểm lập báo cáo tài chính năm.

 

- Doanh nghiệp xem xét, quyết định việc xây dựng quy chế về quản lý vật tư, hàng hóa, quản lý danh mục đầu tư, quản lý công nợ để hạn chế các rủi ro trong kinh doanh,...

 

Điều kiện để trở thành bác sĩ gia đình 

 

Thông tư 21/2019/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn thí điểm về hoạt động y học gia đình sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10/2019.

 

Thông tư này nêu rõ, bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa hệ lâm sàng đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sẽ được khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình sau khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

 

- Có một trong các văn bằng bác sĩ nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ về chuyên ngành y học gia đình.

 

- Có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 03 tháng.

 

Tốc độ tối đa của ô tô, xe máy khi tham gia giao thông

 

Thông tư 31/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về tốc độ của xe khi tham gia giao thông và có hiệu lực từ ngày 15/10/2019. Cụ thể như sau:

 

- Ở trong khu vực đông dân cư: 60km/giờ nếu chạy trên đường đôi hoặc đường một chiều có từ 2 làn trở lên; 50km/giờ nếu là đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có 01 làn xe.

 

- Nếu ở ngoài khu vực dân cư: 90km/giờ đối với ô tô con, ô tô đến 30 chỗ ngồi; 70km/giờ đối với xe máy nếu chạy trên đường đôi hoặc đường một chiều có 2 làn trở lên; 80km/giờ đối với ô tô con, ô tô đến 30 chỗ ngồi; 60km/giờ đối với xe máy nếu chạy trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có 1 làn xe.

 

Riêng với xe gắn máy (xe dưới 50 phân khối), tốc độ tối đa là 40km/giờ, bất kể trên đoạn đường nào và trong khu vực nào.

 

Lệ phí cấp thẻ Căn cước công dân từ 30.000 đồng

 

Từ ngày 16/10/2019, áp dụng lệ phí cấp thẻ Căn cước công dân mới của Thông tư 59/2019/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành. Cụ thể như sau:

 

- Chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, 12 số sang thẻ Căn cước công dân: 30.000 đồng;

 

-  Đổi thẻ Căn cước công dân khi bị hư hỏng không dùng được; khi có thay đổi thông tin cá nhân hoặc khi có sai sót về thông tin trên thẻ: 50.000 đồng.

 

- Cấp lại thẻ Căn cước công dân do bị mất là 70.000 đồng.

 

Nếu người từ đủ 14 tuổi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân lần đầu; Đổi thẻ khi có sai sót về thông tin trên thẻ do lỗi của cơ quan quản lý… không phải nộp lệ phí.

 

Giáo viên mầm non được học cách quản lý cảm xúc bản thân

 

Chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên mầm non đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư 12/2019/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 12/10/2019.

 

Chương trình bồi dưỡng này được tổ chức hàng năm với các nội dung liên quan đến đạo đức nghề nghiệp; Rèn luyện phong cách làm việc khoa học; Đảm bảo an toàn cho trẻ trong các cơ sở mầm non; Kỹ năng sơ cứu trẻ em… và đặc biệt là cách quản lý cảm xúc của bản thân.

 

Mỗi giáo viên phải tham gia Chương trình bồi dưỡng với thời lượng 120 tiết/năm học.

 

Có 56 loại phụ gia phẩm màu được dùng trong thực phẩm

 

Theo Thông tư số 24/2019/TT-BYT của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm, áp dụng từ ngày 16/10/2019.

 

Cụ thể, tại Thông tư này, Bộ Y tế công nhận 56 loại phụ gia phẩm màu được phép dùng trong thực phẩm, như: Curcumin; các bon thực vật; màu ngô tím; màu bắp cải đỏ và hàng trăm phụ gia khác là chất bảo quản, chất điều vị, chất tạo ngọt…

 

Khi sử dụng phụ gia, phải đảm bảo một số nguyên tắc nhất định:

 

- Phụ gia thực phẩm phải là loại được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm;

 

- Không vượt quá mức sử dụng tối đa;

 

- Hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia cần thiết để đạt được hiệu quả như mong muốn…

 

Giám đốc Sở GDĐT không bắt buộc tốt nghiệp Đại học sư phạm

 

Từ ngày 24/10/2019, quy định về tiêu chuẩn đối với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc UBND cấp tỉnh sẽ được áp dụng theo Thông tư 13/2019/TT-BGDĐT .

 

Theo đó, bên cạnh các tiêu chuẩn chung như: Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; Có năng lực tập hợp quần chúng… người được xem xét bổ nhiệm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn riêng sau:

 

- Tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

 

- Đã đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở Giáo Dục và Đào tạo hoặc chức vụ tương đương trở lên.

 

- Được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chức danh Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và chức danh tương đương.

 

- Có giấy chứng nhận theo học từng đợt học có các nội dung ghi trong giấy xác nhận hoặc tín chỉ hoặc chương trình đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình với tổng thời gian tối thiểu 03 tháng.

 

Nguồn Nhịp sống kinh tế


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang